Nở rộ đội, nhóm hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Không triển khai rầm rộ như những dự án quy mô lớn, được đầu tư từ ngân sách hay do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chủ trì, những chương trình, hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa, nghệ thuật được duy trì bởi các đội, nhóm, câu lạc bộ liên quan thời gian gần đây được thực hiện ngày càng nhiều.

Những chương trình, hoạt động này mang lại nhiều tín hiệu vui cho nghệ thuật truyền thống, nhất là trong giai đoạn sân khấu chuyên nghiệp khó khăn như hiện nay. Dù rằng, “kênh” bảo tồn này chưa hẳn thật hoàn hảo…

Sau Chiếu chèo sân đình, Hát cửa đình, sự kiện tôn vinh nghệ thuật hát Then “Câu then Việt Bắc”…, những ngày này, các thành viên của nhóm Đình làng Việt tất bật cho sự kiện đặc biệt tôn vinh nghệ thuật hát Xẩm tại Hà Nội vào nửa cuối tháng 11.

Ngày càng có nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ về nghệ thuật truyền thống hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Có chủ đề hấp dẫn: “Nghệ thuật hát Xẩm – Từ hè đường lên sân khấu”, sự kiện này còn được coi là “đại hội” không chính thức của làng Xẩm Việt Nam đương đại khi thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại diện nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát Xẩm tại nhiều tỉnh thành cả nước.

Trong đó, đến từ đất Xẩm nổi tiếng một thời có Chiếu Xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu Xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội) hay các CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ...

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt còn cho biết, trong sự kiện này, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sẽ giúp công chúng hiểu bộ môn nghệ thuật hát Xẩm với những đặc trưng cơ bản nhất, từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình...

Cùng với hoạt động tọa đàm, biểu diễn minh họa, người tham dự có dịp khám phá từng chặng đường phát triển của Xẩm, kể từ một hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông cho đến hiện nay, khi hát Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.

NSND Xuân Hoạch, người được xem là "trưởng lão" của làng Xẩm Việt Nam đương đại và là người có công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay sẽ trực tiếp trao đổi và trình diễn phục vụ công chúng.

Nghệ nhân Dân gian Lê Minh Sen đến từ Thanh Hóa hay một số nghệ nhân "ẩn mình" ở các làng quê, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của Nghệ nhân hát Xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng đến từ chiếu Xẩm mang tên cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau hứa hẹn tạo thêm một điểm đến hấp dẫn cuối tuần trên phố cổ Hà thành.

Sự hiện diện của cụ Nguyễn Thị Lạt đến từ Tứ Kỳ, Hải Dương với vai trò khách mời đặc biệt là một nỗ lực đặc biệt của các thành viên tổ chức sự kiện. Bởi lẽ, cụ Lạt dù còn minh mẫn, vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh, sở hữu vốn lời ca về Xẩm phong phú nhưng năm nay đã 96 tuổi, sức khỏe yếu. Được biết, khoảng 75 năm về trước cụ đã dắt người anh trai khiếm thị đi hát Xẩm và từng tiếp xúc với rất nhiều “huyền thoại của làng Xẩm” như các trùm Xẩm Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình - chồng cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu), Nguyễn Văn Tự và Lý Văn An (Hải Phòng)...

Sự tham gia tích cực của các hội, nhóm, câu lạc bộ của những người yêu thích văn hóa, nghệ thuật truyền thống đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đất nước. Ngay NSND Trần Bảng cũng vô cùng ngạc nhiên khi giữa thời điểm sân khấu chuyên nghiệp lao đao thì một số bạn trẻ lại tự tìm đến ông để tìm hiểu về nghệ thuật Chèo. Họ là thành viên của nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ khác nhau nhưng đều có chung đam mê với nghệ thuật Chèo...

Nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm Chiếu Xẩm Hải Phòng cũng cho biết, do nhu cầu cuộc sống, hiện nay, người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống ngày càng nhiều hơn. Riêng với Chiếu Xẩm Hải Phòng, hiện nay thường xuyên sinh hoạt có 20 thành viên. Họ không là nghệ nhân hát Xẩm kiếm sống như xưa mà là làm những công việc không liên quan đến nghệ thuật nhưng yêu thích Xẩm…

Trao đổi quanh vấn đề này, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức cũng cho rằng, đây là những tín hiệu rất vui cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhưng, để chúng được thực sự phát huy trong đời sống thì cần có môi trường phù hợp và những môi trường như thế, hiện nay chưa thực sự nhiều như cần phải có.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/no-ro-doi-nhom-hoat-dong-bao-ton-nghe-thuat-truyen-thong-521167/