Nợ phải trả của Vinatex lên tới 13.085 tỷ đồng, tương đương 62,6% tổng tài sản

Doanh thu năm 2017 tăng gần 2.000 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Tập đoàn Itochu - đối tác nước ngoài chiến lược của Vinatex tiếp tục 'bơm' 47 triệu USD để mua thêm 10% cổ phần.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (mã VGT) hiện đang vận hành khoảng 200 nhà máy may với công suất hơn 300 triệu sản phẩm/năm, bên cạnh các nhà máy sợi và dệt nhuộm.

Năm 2017, Vinatex đạt 18.464 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 12% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 748,5 tỷ đồng, tăng 9% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 685 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 386 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tổng doanh thu của tập đoàn, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 chiếm hơn 94,5% tổng doanh thu, đạt 14.446 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng so với năm 2016.

Cụ thể hơn về cơ cấu doanh thu, mảng công nghiệp dệt may chiếm 81,9%, đạt 14.296 tỷ đồng; mảng xuất khẩu nhập khẩu và kinh doanh thương mại chiếm 9,8%, đạt 1.709 tỷ đồng; còn lại là từ hoạt động khác.

Khi thị trường dệt may trong nước dần trở nên bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu trở thành cách tốt nhất để tạo ra sự tăng trưởng. Năm 2017, hoạt động xuất khẩu mang lại 12.009 tỷ đồng, tăng 2.041 tỷ đồng so với năm ngoái, chiếm 68,8% doanh thu trong khi doanh thu từ nội địa chỉ đạt 31,2%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, tổng tài sản của Vinatex đạt 20.906 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.821 tỷ đồng. Nợ phải trả lên tới 13.085 tỷ đồng, tương đương 62,6% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là nợ vay với 4.826 tỷ đồng ngắn hạn và 5.088 tỷ trung, dài hạn. Tính đến hết năm 2017, Vinatex đã tích lũy được 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Với kết quả đạt được, HĐQT công ty lên phương án trả cổ tức năm 2017 tỷ lệ 5%, tương ứng tổng số tiền chi 250 tỷ đồng.

Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông mới công bố, Vinatex đặt kế hoạch nâng tổng doanh thu cả năm 2018 lên 20.319 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 10%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 788 tỷ đồng, tăng 5,23% so với năm 2017.

Cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn Itochu đã chi khoảng 5 tỷ yên (tương đương 46,9 triệu USD) để mua 50 triệu cổ phiếu VGT, nâng cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam lên 13%, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Công thương. Trước đó, Itochu đã sở hữu gần 3% cổ phần Vinatex, sau khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.

Được biết, đối tác từ Nhật Bản đã mua cổ phần Vinatex từ cổ đông chiến lược VNTEX và các quỹ đầu tư nước ngoài thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán. CTCP Đầu tư Phát triển VNTEX – cổ đông lớn của Vinatex chính là đơn vị đầu tiên bán ra 35 triệu cổ phiếu VGT vào ngày 26/03/2018. Qua đó, giảm khối lượng sở hữu tại đây xuống còn 35 triệu cổ phiếu tương đương 7%.

Thương vụ này dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc hiệu suất cao tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ. Theo Nikkei, Itochu đã xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trên 60 tỷ yên mỗi năm, trong đó đến 50% do Vinatex sản xuất. Chưa dừng lại, đối tác ngoại này còn dự kiến tăng con số này lên 100 tỷ yên vào năm 2021.

Thời gian tới, khi tham gia vào Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) cũng như Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, nơi chi phí nhân công đang leo thang.

Tính riêng quý 1/2018, Vinatex đã đạt gần 4.400 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế đạt 178,5 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 106 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/no-phai-tra-cua-vinatex-len-toi-13085-ty-dong-tuong-duong-626-tong-tai-san-3455533.html