Nợ nước ngoài của doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tại phiên họp, các nội dung về nợ nước ngoài của doanh nghiệp, 'sức khỏe' của 12 dự án thua lỗ, hay tín dụng đen... là những vấn đề được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng nhanh

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nợ nước ngoài tăng nhanh, sát “trần” 50%GDP. Với khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì rất khó kiểm soát, nếu doanh nghiệp của nhà nước có cổ phần nhà nước không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, dẫn quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích: Nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi của nợ công. Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ công, do đó, nợ nước ngoài của Chính phủ cũng được tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tình trạng vay nước ngoài: Từ 60% (năm 2011) còn 40% (năm 2018). Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP (cuối năm 2011) xuống còn 21% (năm 2018).

Chính phủ cũng đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Theo đó, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã giảm từ 10,9% GDP (năm 2015) xuống còn 8,7% (năm 2018); trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP (năm 2015) xuống còn khoảng 5% (năm 2018).

"Riêng nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây: Năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Đúng như đại biểu Phạm Văn Hòa đã nêu, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 42% (năm 2015), 44,8% (năm 2016) và 48,9% (năm 2017), dự kiến là 49,7% (năm 2018), sát ngưỡng 50%", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Bộ luôn quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay tự trả thì bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước là công ty TNHH một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp; trong điều kiện doanh nghiệp không trả được nợ thì có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, phù hợp với mục tiêu, chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước.

“Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

"Sức khỏe" của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ phụ thuộc thị trường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, có 2 dự án đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và bắt đầu có lãi là Nhà máy Thép Việt Trung và nhà máy DAP Hải Phòng. Hai nhà máy này đã đạt tiêu chí để báo cáo Quốc hội đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu.

4 dự án khác gồm Công ty đóng tàu Dung Quất, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai đã từng bước khắc phục khó khăn, cắt giảm bớt lỗ. Tuy nhiên do số nợ, lãi suất phải trả còn cao, nên vẫn tiếp tục phải tái cơ cấu.

3 dự án phải dừng sản xuất, trong đó có Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền và dự kiến cuối tháng 11 tới sẽ vận hành trở lại cả 11 dây chuyền – đó là điều kiện bước đầu để tái cơ cấu hoặc thoái vốn nhà nước. Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đang hoàn tất về cơ bản việc đầu tư; nhà máy sinh học Bình Sơn đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trở lại ra thị trường (là xăng ethanol), dự án sinh học Bình Phước đang chuẩn bị để tham gia thị trường...

Riêng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vì có vốn nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân nên không thể tái cơ cấu; song quá trình đầu tư có sai phạm, kinh doanh không có hiệu quả và sẽ phải xem xét có thể cho phá sản.

Dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 tương đối phức tạp khi có tranh chấp với tổng thầu EPC (Trung Quốc), các bên liên quan đang quyết liệt đàm phán với đối tác và đẩy nhanh thoái vốn của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên. Tuy còn nhiều phức tạp song đang tiến triển theo lộ trình.

Nói về “sức khỏe” của các dự án này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường đối với các sản phẩm nguyên liệu như than, phân bón, xơ sợi... song vẫn hướng đến mục tiêu là bảo toàn tối đa vốn Nhà nước, năm 2020 cơ bản xử lý xong số dự án này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, quá trình xử lý các dự án này phải xem xét, xử lý trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan. 12 dự án đều đã tiến hành thanh tra, trong đó 6 dự án kiểm toán nhằm đánh giá thiệt hại và vi phạm, 4 dự án đang chuyển cơ quan điều tra và 2 dự án đã bị khởi tố hình sự. Trong quá trình thực hiện tiếp, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ.

Xử lý nghiêm tội phạm tín dụng đen

Trước các ý kiến của đại biểu về vấn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang tràn về các địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận, đằng sau đó thường là một tổ chức tội phạm. Theo thống kê trong 4 năm, từ năm 2015 đến 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 1.800 vụ lừa đảo, hơn 3.500 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản... Đến nay, lực lượng công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Quốc hội.

Nguyên nhân của những việc này, theo Bộ trưởng, là do điều kiện kinh tế trong nước còn khó khăn khiến nhiều công ty, cá nhân gặp khó khăn về nguồn vốn nên đi vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là thanh niên đi vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi, không chính đáng của bản thân, khi cần có thể vay với bất cứ lãi suất nào. Đặc biệt, chế tài xử lý đối với đối tượng này chưa tương xứng với mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe; sự vào cuộc của chính quyền, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

Qua tổng kết, Bộ đã đề ra một số giải pháp, trong đó tập trung phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, nhất là các quyền về vay mượn, sử dụng vốn an toàn, phương thức hoạt động của các tổ chức tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ trên địa bàn, các đối tượng bất minh về kinh tế có liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan đến đòi nợ, cầm đồ; nâng cao hiệu quả tiếp nhận tố giác các tin báo về tội phạm liên quan đến tín dụng đen; mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật....

Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/no-nuoc-ngoai-cua-doanh-nghiep-co-xu-huong-tang-nhanh-553237