Nợ lương, nợ đóng bảo hiểm cho người lao động

Sáng 28.3, 29 người đại diện cho khoảng hơn 140 CNLĐ của Xí nghiệp gạch Đông Văn thuộc Cty Cổ phần Xây dựng Hancorp 2 (Thanh Hóa) đến trụ sở TCty Xây dựng Hà Nội (57 Quang Trung, Hà Nội) để mong tìm kiếm câu trả lời về vấn đề tiền lương, tiền bảo hiểm và hướng xử lý đối với Cty Hancorp 2.

Công nhân lao động Xí nghiệp gạch Đông Văn có mặt tại trụ sở TCty Xây dựng Hà Nội sáng 28.3. Ảnh: QUẾ CHI

Trốn đóng tiền bảo hiểm

Anh Lê Xuân Trường - Chủ tịch CĐ Xí nghiệp gạch Đông Văn - cho biết, hàng tháng, NLĐ trích tiền lương nộp bảo hiểm đầy đủ, nhưng Cty Hancorp 2 chiếm dụng, không nộp cho NLĐ kể từ tháng 7.2012 đến nay. NLĐ chỉ nắm bắt được thông tin này khi họ bị ốm đau hay lao động nữ nghỉ đẻ, không được hưởng chế độ thai sản. Cty nợ tiền bảo hiểm cũng khiến nhiều NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ hưu đã không chốt được sổ BHXH, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ.

Cụ thể, thời gian từ tháng 12.2012 đến 12.2016, có 12 người đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng chỉ có 6 người được chốt sổ bảo hiểm. Tính đến thời điểm tháng 12.2016, có 5 người đến tuổi nghỉ hưu đã phải cho Cty vay tiền nộp cho cơ quan bảo hiểm để có thể chốt sổ BHXH. Tổng số tiền vay là hơn 302 triệu đồng. Sau đó, Cty đã trả lại tiền cho NLĐ bằng sản phẩm… gạch với số tiền tương ứng là 266,2 triệu đồng; còn nợ của 1 người với số tiền 36 triệu đồng. Theo anh Trường, từ năm 2012, khi biết việc Cty nợ bảo hiểm, NLĐ đã nhiều lần làm đơn nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết; Cty tuy cam kết nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục nợ đóng bảo hiểm cho NLĐ.

Trong khi đó, theo thông tin từ BHXH TP.Thanh Hóa, đến thời điểm 29.2.2016, Cty Hancorp 2 nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 15,1 tỉ đồng (thời gian nợ trên 40 tháng). Số nợ này tăng lên gần 18 tỉ đồng tại thời điểm tháng 10.2016. Anh Lê Xuân Trường cho biết thêm, Cty còn đang nợ tiền lương NLĐ từ tháng 12.2017 đến nay khiến đời sống NLĐ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, Xí nghiệp gạch Đông Văn đã ngưng hoạt động kể từ tháng 2.2018 đến nay, không có khả năng khôi phục và Cty không có khả năng trả lương cho NLĐ. “Nếu không khôi phục được sản xuất thì cần làm thủ tục phá sản để giải quyết quyền lợi cho NLĐ và NLĐ đi tìm công việc mới”- anh Trường kiến nghị.

Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi người lao động?

Tại buổi làm việc sáng 28.3, ông Đậu Văn Diện - Tổng Giám đốc TCty Xây dựng Hà Nội - cho rằng, giữa TCty Xây dựng Hà Nội và Cty Hancorp 2 không phải mô hình Cty “mẹ”, Cty “con” như trước, mà hiện TCty chỉ là 1 cổ đông góp vốn vào Cty Hancorp 2 (tỉ lệ 46%). Theo ông Diện, TCty chỉ chỉ đạo qua người đại diện vốn, vì vậy, Cty không thể giải quyết đóng tiền bảo hiểm còn nợ cũng như thanh toán tiền lương cho công nhân.

Ông Diện cho biết thêm, trước hết, TCty sẽ làm việc với lãnh đạo Cty Hancorp 2 tại Thanh Hóa để nắm tình hình. Theo ông Diện, để giải quyết vụ việc, TCty sẽ thành lập tổ đại diện phần vốn mới của TCty tại Cty Hancorp 2; làm việc với lãnh đạo Hancorp 2 để tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Hội đồng quản trị TCty đã quyết định giao nhiệm vụ cho ông Đào Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc - thay mặt TCty vào Thanh Hóa giải quyết vụ việc, cải tổ bộ máy lãnh đạo, từ đó mới có lộ trình hoạt động sản xuất trở lại. “TCty sẽ yêu cầu tổ quản lý vốn họp Cty; mời cơ quan thanh tra, công an kiểm tra xem có vấn đề gì trong quá trình quản lý Cty; ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Diện nói.

QUẾ CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/no-luong-no-dong-bao-hiem-cho-nguoi-lao-dong-598275.ldo