Nỗ lực xứng đáng là địa chỉ văn hóa của Thủ đô

Bảo tàng Hà Nội đang tạm dừng đón khách để phục vụ công tác thi công phần trưng bày trong nhà và trưng bày ngoài trời, cũng như các khu trải nghiệm. Với những đột phá về phương pháp trưng bày, giới thiệu hiện đại, Bảo tàng Hà Nội được kỳ vọng là địa chỉ văn hóa của Thủ đô.

Đúng dịp Thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành. Tuy nhiên, thời điểm đó, phần “vỏ” của bảo tàng được khánh thành, còn bên trong mới chỉ có các không gian trưng bày mang tính tạm thời. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng, do yêu cầu khách quan, Bảo tàng Hà Nội trải qua nhiều đợt thay đổi đề cương, nội dung trình bày cũng như đơn vị tư vấn thiết kế. Thí dụ như năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dẫn đến việc đề cương cũ phải chỉnh sửa và bổ sung các vùng đất mới hợp nhất. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Ðà lý giải thêm: “Các nhà chuyên môn đã dựng lên kịch bản trưng bày. Ðó là một kịch bản rất hay, thể hiện sinh động quá trình hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội. Nhưng chúng tôi lại bị “vấp” bởi kịch bản thì hấp dẫn, nhưng bảo tàng thiếu các hiện vật để kể câu chuyện đó. Do đó, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh kịch bản. Chúng tôi đã phải xoay xở để có thêm hiện vật phục vụ trưng bày”.

Việc thiếu hiện vật còn do khó khăn khi triển khai Thông tư 11/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật bảo tàng công lập. Ðến nay, thành phố vẫn chưa thông qua được cơ chế mua hiện vật. Bảo tàng Hà Nội đã vận động nhân dân hiến tặng hiện vật trong nhiều năm qua. Rất may, nhiều tổ chức, cá nhân nhiệt tình ủng hộ. Phải đến gần đây, Bảo tàng Hà Nội mới sưu tầm đủ tư liệu, hiện vật, trên cơ sở tài liệu, hiện vật sưu tầm cũ, với tài liệu, hiện vật được hiến tặng, bảo đảm phục vụ cho công tác trưng bày.

Với mong muốn đem đến cái nhìn bao quát về Thủ đô Hà Nội, kịch bản trưng bày của Bảo tàng Hà Nội gồm nhiều nội dung, từ giới thiệu điều kiện tự nhiên đến các nội dung văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, đời sống tâm linh... của Hà Nội qua chiều dài lịch sử. Với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, nội dung trưng bày được chia làm bảy chủ đề, gồm 25 tiểu chủ đề. Ðậm nét nhất vẫn là phần lịch sử, văn hóa, với các chủ đề như: Hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Ðại Việt, Hà Nội thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20... Trong đó, có những tiểu chủ đề tạo điểm nhấn riêng cho Hà Nội như: Hình thành kinh thành Thăng Long; Kẻ Chợ; Làng nghề, phố nghề; Thành phố thuộc địa...

Sau khi tạm dừng đón khách, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Nội đã có những ngày làm việc căng thẳng với các chuyên gia, đơn vị thi công để chuẩn bị thi công các hạng mục. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Ðà cho biết: “Phần bên trong bảo tàng có diện tích hơn 8.500 m2, trưng bày hơn 7.000 hiện vật tiêu biểu. Chỉ riêng viết giới thiệu cho các hiện vật, các chuyên gia đã phải làm việc rất vất vả để thống nhất nội dung. Lời giới thiệu ngắn, nhưng bảo đảm hấp dẫn nhất. Việc áp dụng những công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý thông minh khiến việc thi công trở nên phức tạp hơn. Chẳng hạn như, các hiện vật khi đưa vào hộp trưng bày thì phải 5 năm sau mới cần mở ra để thực hiện công tác vệ sinh, bảo quản”.

Các bảo tàng ở nước ta phần lớn là bảo tàng chuyên đề, bảo tàng địa phương, thường trưng bày theo phương thức “có gì bày nấy”. Nhưng với nội dung phong phú như trên, việc trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội là chưa có tiền lệ ở nước ta. Bảo tàng Hà Nội vẫn còn nhiều cái “đầu tiên” khác. Bảo tàng Hà Nội xây dựng các tuyến tham quan theo phương pháp của các bảo tàng lớn trên thế giới, gồm ba tuyến cụ thể, với khoảng thời gian khác nhau, dành cho những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu khác nhau. Tuyến tham quan ngắn nhất kéo dài khoảng 90 phút. Những người có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, có thể tham gia những tuyến tham quan khác. Các giải pháp trưng bày, giới thiệu được phối hợp nhiều hình thức: Phim, công nghệ tra cứu, đồ họa, tư liệu in ấn hiện đại... Không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, Bảo tàng Hà Nội còn có tới bốn khu trải nghiệm. Thông qua hoạt động trải nghiệm tương tác, Bảo tàng Hà Nội mong muốn giúp thiếu nhi thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội và khiến hoạt động của bảo tàng sống động, hấp dẫn hơn. Bảo tàng Hà Nội sẽ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho công tác thuyết minh, hướng dẫn. Lãnh đạo bảo tàng sẽ phối hợp các doanh nghiệp để triển khai nội dung này, nhằm tăng sự tương tác giữa cán bộ bảo tàng với khách tham quan.

Mặc dù khoảng thời gian từ lúc khánh thành đến hoàn chỉnh nội dung trưng bày mất nhiều thời gian, song với hiện vật phong phú, phương pháp giới thiệu, quảng bá hiện đại, Bảo tàng Hà Nội hứa hẹn sẽ trở thành không gian văn hóa sống động. Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội sẽ giao Bảo tàng Hà Nội tự chủ hoạt động trong tương lai, cho nên việc tạo nên một không gian văn hóa sống động còn là nhiệm vụ bắt buộc đối với đơn vị để có thể bảo đảm tự chủ về tài chính.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44734502-no-luc-xung-dang-la-dia-chi-van-hoa-cua-thu-do.html