Nỗ lực xóa điện câu đuôi ở Vĩnh Long

Theo thống kê của Công ty Điện lực Vĩnh Long, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đạt 99,8% hộ dân có điện sử dụng sinh hoạt. Tuy nhiên, còn khoảng 3.300 hộ đang sử dụng điện qua hình thức câu đuôi. Để xóa câu đuôi số hộ trên phải cần số vốn ước khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, hộ câu đuôi thuộc diện hộ chính sách, hộ nghèo là 409 hộ, nguồn vốn cần đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, ngành điện lực Vĩnh Long đã triển khai, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường mới, giúp nhiều hộ sử dụng điện câu đuôi chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Ông Nguyễn Hòa Hưng, ở ấp Vĩnh Phú, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long, nhiều năm qua phải sử dụng điện câu đuôi.

Ông Nguyễn Hòa Hưng, ở ấp Vĩnh Phú, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long, nhiều năm qua phải sử dụng điện câu đuôi.

Khổ vì điện câu đuôi

Trong nhiều năm qua, dù ngành Điện đã cố gắng khắc phụ tình trạng này và đầu tư phát triển lưới điện hằng năm, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ phát triển của các khu dân cư mới và tập quán sinh sống theo đất canh tác của bà con, nên việc xóa điện câu đuôi gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, Công ty Điện lực Vĩnh Long luôn cố gắng xóa dần việc hộ dân sử dụng điện qua hình thức câu đuôi kéo chuyền. Cụ thể, trong ba năm (2016-2018), Công ty Điện lực đã đầu tư xóa hộ câu đuôi được 2.513 hộ, với tổng giá trị gần bốn tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2019, Công ty tiếp tục đầu tư xóa hộ câu đuôi kéo chuyền khoảng 1.000 hộ, tổng giá trị 5,5 tỷ đồng, với khối lượng xây dựng mới 2,5 km đường dây trung thế, 14,6 km đường dây hạ thế, xây dựng mới sáu trạm biến áp dung lượng 215kVA.

Theo Công ty Điện lực Vĩnh Long, gọi từ “điện câu đuôi” là do các hộ mới xây dựng nhà ở xa khu vực dân cư, lưới điện chưa theo kịp, nên các hộ trong khu vực này phải kéo dây từ một hộ đã có công-tơ điện riêng trước đó để sử dụng đỡ, chờ đăng ký chính thức. Sử dụng điện câu đuôi kéo theo nhiều hệ lụy, mà chủ yếu là an toàn điện, tổn thất điện năng sau công-tơ chính cao, chủ hộ có công-tơ “ép giá”… nên nhiều hộ sử dụng điện câu đuôi phải sử dụng điện giá cao.

Điển hình như ở ấp Vĩnh Phú, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) có ba hộ: Nguyễn Hòa Hưng, Hồ Phước Hậu và Nguyễn Thị Huỳnh Đào xây nhà đã nhiều năm nhưng vì xa đường dây lưới điện nên phải câu điện nhờ của các hộ chung quanh cách xa cả trăm mét. Vì vậy, giá điện bù hao hụt rất cao; bên cạnh đó, điện bị giảm áp, mỗi khi mở máy lạnh làm đèn thắp sáng thường bị chập chờn. Trước tình hình trên, Điện lực TP Vĩnh Long đã khảo sát và đang chuẩn bị kéo trụ phục vụ cho ba hộ trên. Theo thiết kế, đường dân dẫn từ ngoài lộ chính vào khu vực ba hộ trên có giá trị đầu tư hơn 73 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hòa Hưng, 58 tuổi, ở ấp Vĩnh Phú, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long cho biết, gia đình ông về đây mua đất cất nhà hơn hai năm nay. Do cách xa trụ hạ thế, nên phải câu đuôi nhờ từ hộ ông Nguyễn Khắc Huy ở cách xa cả trăm mét. “Nhà chỉ sử dụng một máy lạnh vào ban đêm khoảng hai ba tiếng đồng hồ để giữ mát cho cháu nội ngủ rồi tắt, còn lại chỉ sử dụng những thiết bị cần thiết thông thường như ti-vi và đèn thắp sáng nhưng mỗi tháng phải trả tiền điện từ 600 đến 700 nghìn đồng. Bên cạnh đó, do câu đuôi đường dây xa, mỗi khi bật mở máy lạnh thì các bóng đèn thắp sáng trong nhà bị chập chờn liên tục. Mặc dù biết việc câu đuôi đường dây xa, vừa hao hụt điện năng, vừa không an toàn nhưng vẫn phải chịu. Khi thấy cán bộ điện lực đến khảo sát gia đình chúng tôi rất phấn khởi”, ông Hưng cho biết.

Đến ấp Tân Hiệp, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) nơi điện lực vừa kéo đường dây hạ thế được vài tháng. Chị Phan Thị Hoa vui vẻ cho biết, trước kia câu nhờ một hộ ở đường chính cách xa cả trăm mét. Mặc dù gia đình chỉ sử dụng thiết bị thắp sáng và nấu cơm bằng điện, giặt giũ, ủi đồ… nhưng điện áp vẫn không đủ, đèn thắp sáng vẫn bị chập chờn mỗi khi ủi quần áo. Tiền điện phải trả mỗi tháng từ 350 đến 400 nghìn đồng. Từ khi có đường dây hạ thế, tiền điện sử dụng hằng tháng giảm cả trăm nghìn đồng.

Nỗ lực đầu tư đến các địa bàn khó khăn

Ngành Điện lực Vĩnh Long thường xuyên đầu tư các công trình điện mới ở vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân.

Nhằm bảo đảm an toàn lưới điện cũng như giảm thiểu chi phí cho khách hàng, ngành Điện lực đang chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu đuôi, chia hơi, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Trong những năm qua, ngành Điện lực đã đầu tư lưới điện quốc gia đến những khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2018, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã triển khai sáu công trình xóa hộ câu đuôi với số vốn gần hai tỷ đồng tại các huyện, thị xã, trung bình với chi phí bốn triệu đồng/hộ, lắp điện kế hoàn thành cho 655/625 hộ, đạt 105% kế hoạch… Tuy nhiên, nhiều tuyến dân cư nằm biệt lập giữa đồng. Việc kéo điện lưới quốc gia đến những khu dân cư này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, do đó cần phải huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện. Nhiều khi trước mắt xóa điện câu đuôi cho một vài hộ, ngành chức năng phải đầu tư đường dây hạ thế trị giá hàng trăm triệu đồng. Muốn đạt được mục tiêu xóa tình trạng câu đuôi, chia hơi, cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mặt khác, ngành Điện lực cũng cần khuyến khích người dân ở vùng sâu, vùng xa sử dụng điện mặt trời thay vì phải tốn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia phục vụ cho một số hộ.

Ông Huỳnh Đông Phụng, Giám đốc Điện lực TP Vĩnh Long cho biết, dù những hộ cho câu đuôi không tính giá cao hơn giá điện quy định bao nhiêu, nhưng do kéo đường dây xa nên lượng điện hao hụt trong quá trình tải điện trên đường dây nhỏ và xa thì người câu đuôi phải chịu phần hao hụt; đây là sự lãng phí lớn. Ngành Điện lực với quyết tâm xóa hộ câu đuôi, tuy nhiên việc xóa 100% hộ câu đuôi là việc làm xem ra khó khả thi. Hằng năm phát sinh nhu cầu xây dựng nhà ở khi tách hộ, theo thói quen ở khu vực nông thôn, khi cha mẹ cho con cái ra riêng, cho một phần đất canh tác thì họ lại cất nhà ở đó, cách xa khu dân cư, xa nguồn điện lưới quốc gia, nên phải sử dụng điện câu đuôi từ những hộ ở gần và thân quen với giá cao nhưng nguồn điện yếu, lại mất an toàn.

Theo Công ty Điện lực Vĩnh Long, để thực hiện cấp điện cho khoảng 3.300 hộ này, ước chi phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư hằng năm còn thiếu so với nhu cầu cần đầu tư phát triển lưới điện giai đoạn 2018-2020. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhằm mục tiêu đầu tư nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phụ tải, đầu tư các tuyến 22kV để khai thác lộ ra các trạm biến áp 110kV, Công ty Điện lực được Tổng Công ty Điện lực chấp nhận chủ trương cho vay vốn 60 tỷ đồng thực hiện 14 công trình lưới điện phân phối, cụ thể như: Xây dựng và cải tạo 33km đường dây trung thuế, 15 km đường dây hạ thế, nâng công suất 90 trạm biến áp phân phối, dung lượng 13.613 kVA… Để chuẩn bị cung cấp điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2020- 2025, Công ty Điện lực Vĩnh Long rất cần Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cấp vốn; đồng thời cũng cần UBND tỉnh Vĩnh Long ứng trước vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, các nguồn vốn vay ưu đãi hoặc vốn khách hàng đầu tư nhằm bổ sung nhu cầu vốn đầu tư còn thiếu.

Bài, ảnh: BÁ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40267502-no-luc-xoa-dien-cau-duoi-o-vinh-long.html