Nỗ lực xóa 'điểm nóng' về khoáng sản

Những năm qua, việc quản lý và khai thác nguồn khoáng sản trên địa bàn luôn được tỉnh, ngành chức năng và các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó giúp giảm những 'điểm nóng', ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép diễn ra.

Dây chuyền sàng tuyển quặng của Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên) tại xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên. Ảnh: Trần Quyền.

Dây chuyền sàng tuyển quặng của Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên) tại xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên. Ảnh: Trần Quyền.

Khai thác khoáng sản trái phép - Chuyện xưa và nay

Được đánh giá là tỉnh giàu nguồn khoáng sản, Thái Nguyên có tới trên 100 điểm mỏ khoáng sản gồm nhiều chủng loại khác nhau như: vonfram, than, sắt, vàng, titan, thiếc, chì, kẽm... Đặc biệt, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram khoảng 110 triệu tấn (lớn thứ hai trên thế giới); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (lớn thứ hai cả nước); đá vôi phục vụ sản xuất xi măng, trữ lượng 200 triệu tấn; quặng sắt, trữ lượng gần 50 triệu tấn.... Do số lượng mỏ khoáng sản lớn, nằm rải rác khắp các khu vực trong tỉnh, nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều hoạt động khai thác trái phép (đào đãi vàng, moi móc cát sỏi, quặng sắt, titan, phốt pho, chì, thiếc, than…) đã diễn ra thường xuyên ở địa bàn các xã: Cây Thị, Nam Hòa, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Liên Minh (Võ Nhai); Động Đạt (Phú lương); sông Cầu, sông Công đoạn chảy qua các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ và thị xã Phổ Yên... Tình trạng tranh giành giữa những đối tượng khai thác trái phép diễn ra khiến cho an ninh trật tự tại những khu vực này luôn bất ổn.

Một điểm khai thác cát sỏi ở xóm Bến Đẫm, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên. Ảnh: Mạnh Hùng.

Đến nay, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng ở một số nơi, hiện tượng lén lút khai thác khoáng sản vẫn tồn tại. Có thể kể đến như: Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Công, sông Cầu; khai thác đất làm vật liệu san lấp ở Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên; khai thác quặng sắt, đá cát kết ở Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai...

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Còn tồn tại tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của người dân và doanh nghiệp chưa cao; một số chính sách pháp luật trong quản lý khoáng sản chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đảm bảo điều kiện để thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức ngăn ngừa, răn đe đối với hành vi vi phạm. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; sự phối hợp trong công tác quản lý ở một số khu vực giáp ranh giữa các địa phương còn chưa chặt chẽ. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên khoáng sản mặc dù đã được tăng cường, song việc tổ chức thực hiện chủ yếu theo chỉ đạo, theo từng thời điểm chứ chưa đi vào chiều sâu...

Bình yên đang dần trở lại

Nhằm bảo vệ nguồn khoáng sản trên địa bàn, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 06/8/2018, kèm theo Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, trong 2 năm trở lại đây, đã có không ít các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bị phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ môi trường tại các khu vực có khoáng sản. Riêng đối với các vùng có tiềm năng quặng vàng, theo quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng khoáng sản tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2016 - 2020 có xét đến 2030) được UNBD tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2077/QĐ-UBND ngày 7/7/2017, toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, thăm dò 17 mỏ và điểm quặng. Đến nay, tỉnh đã phát hiện thêm 11 điểm quặng mới, nâng tổng số mỏ và điểm quặng trên toàn tỉnh lên con số 28, trong số này có 10 mỏ đã được cấp phép khai thác, 20 điểm quặng còn lại chưa được cấp phép thăm dò.

Khảo sát qua một số địa phương trước đây từng là “điểm nóng” về tình trạng khai thác vàng, quặng trái phép, chúng tôi thấy rõ những “vết thương” của đất, của rừng đang dần “liền sẹo”. Nhiều nơi, người dân địa phương đang nỗ lực cải tạo đất tại những vị trí từng bị đào bới tìm vàng, khai thác quặng trước đây để canh tác. Có nơi, cây keo lai vài năm tuổi đã xóa sạch mọi dấu vết của những cuộc đào xới trái phép trước đó. Xóm Bản Ná, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) là một ví dụ tiêu biểu. Khoàng gần 20 năm trở về trước, có những thời điểm, ở Bản Ná có đến vài nghìn người thi nhau đào xới, đất đai, sông suối bị tàn phá môi trường. Nhưng từ khi Công ty khai thác khoáng sản Thăng Long tiếp nhận mỏ vàng Bán Ná thì tình trạng khai thác trái phép đã được kiểm soát, rừng núi trở lại yên bình, xanh tươi, môi trường từng bước được phục hồi. Trên những vùng đất bị đào bới trái phép, bà con đã tiến hành san lấp và trồng rừng.

Không chỉ ở Bản Ná, ở một nơi từng là điểm nóng về khai thác cát sỏi trái phép như xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), sự bình yên đang dần trở lại khi tiếng gầm gào ngày đêm của các tàu cuốc đã không còn. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đã góp phần giảm tình trạng khai thác trái phép, tăng thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chia sẻ, đóng góp xây dựng đường xá, hạ tầng cơ sở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nét đổi thay trong quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã khá rõ nét, song vấn đề quản lý khoáng sản luôn là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực thường xuyên, liên tục, vì thế các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần chú trọng đúng mức, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của mọi người dân. Quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả chính là phương cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là trách nhiệm lớn của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ mai sau.

Thế Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/no-luc-xoa-diem-nong-ve-khoang-san-274667-205.html