Nỗ lực xóa 'điểm đen' tai nạn giao thông

Thành phố Hà Nội quyết tâm giảm thiểu tai nạn giao thông do nguyên nhân từ hạ tầng thông qua việc quản lý, bảo trì kết cấu công trình và tổ chức giao thông hợp lý. Trong năm 2021, dự kiến, ngành Giao thông Thủ đô sẽ phối hợp với Công an thành phố và chính quyền các địa phương xử lý 31 'điểm đen' tai nạn giao thông còn tồn tại.

Một điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên đường Giải Phóng đã được bổ sung thêm biển cảnh báo. Ảnh: Tuấn Khải

Xóa sổ nhiều “điểm đen”

Km6+300 khu gian Giáp Bát - Văn Điển trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (thuộc địa phận quận Hoàng Mai) nhiều năm qua từng là “điểm đen” về tai nạn giao thông. Chỉ riêng trong năm 2019, tại đây đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người chết, đều cùng nguyên nhân do người đi đường thiếu chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt. Năm 2020, “điểm đen” này đã được xóa bỏ sau khi các cơ quan chức năng của thành phố bổ sung biển cảnh báo “đi chậm, chú ý quan sát”.

Ông Nguyễn Đức Minh, cư dân Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), người đã chứng kiến vụ tai nạn giữa tàu hỏa và một người đi bộ xảy ra ngày 8-7-2019 nói: “Từ khi cơ quan chức năng cải tạo hạ tầng, cắm biển cảnh báo tại điểm Km6+300, việc đi lại của người dân an toàn hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhiều điểm đường ngang dân sinh dọc tuyến đường sắt này đã được lắp đặt biển báo, cần chắn và có người gác nên không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm”.

Km6+300 khu gian Giáp Bát - Văn Điển là một trong 23 “điểm đen” tai nạn giao thông đã được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xử lý dứt điểm trong năm 2020. Cùng với đó, phải kể đến “điểm đen” đoạn từ số nhà 675 đến 765A đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên), được bổ sung gờ giảm tốc, lắp đặt đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường. Hay với khu vực từ gầm cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Võ Chí Công đến đường dẫn xuống đường An Dương Vương (quận Tây Hồ), đơn vị chức năng đã sơn 3 cụm gờ giảm tốc, lắp biển cảnh báo tại các nhánh lên xuống cầu Nhật Tân giao cắt với đường Võ Chí Công…

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, Sở cũng đã bàn giao hồ sơ các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt cho các địa phương quản lý để chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. Những giải pháp này đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Giảm thiểu tai nạn do lỗi của hạ tầng

Khu vực hầm Kim Liên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do độ nhám mặt đường và ánh sáng trong hầm chưa bảo đảm.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song thực tế vẫn còn nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cần được khắc phục. Trong đó, tại khu vực hầm đường bộ Kim Liên, theo đánh giá của cơ quan quản lý công trình, độ nhám mặt đường và ánh sáng trong hầm chưa bảo đảm do từ khi tiếp nhận, khai thác (tháng 3-2010) đến nay, công trình chỉ được duy tu, sửa chữa nhỏ.

Mới đây, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại giao thông tại 5 “điểm đen” còn tồn tại và phối hợp khảo sát tại 4 “điểm đen” mới phát sinh trên quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 3. Còn huyện Sóc Sơn đã kiến nghị UBND thành phố lắp đặt đèn tín hiệu tại một số nút giao thông hay xảy ra tai nạn như: Nút giao đường 35 - đường Nội Bài, nút giao quốc lộ 3 - đường dẫn quốc lộ 18 (địa phận xã Mai Đình)… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, dù có lưu lượng phương tiện lớn, song nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện có mặt cắt nhỏ (dưới 9m), chưa có hệ thống thoát nước, chiếu sáng… nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Chỉ tính riêng tháng 2-2021, có tới 4/7 vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn huyện.

Theo kế hoạch trong năm 2021, Sở Giao thông - Vận tải sẽ cùng các sở, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm 31 “điểm đen” còn đang tồn tại trên địa bàn Hà Nội. “Qua kiến nghị của chính quyền địa phương và Công an thành phố, Sở đã khẩn trương rà soát, triển khai các giải pháp như: Bổ sung gờ giảm tốc, biển báo, bổ sung vạch sơn, tăng cường hệ thống chiếu sáng, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông... cho phù hợp với tình hình giao thông tại từng vị trí. Với quyết tâm giảm thiểu tai nạn do lỗi của hạ tầng, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp bách, luôn được Sở chú trọng quan tâm nhằm bảo đảm phục vụ người dân đi lại an toàn”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/994787/no-luc-xoa-diem-den-tai-nan-giao-thong