Nỗ lực xóa 'điểm đen' tai nạn giao thông

Trong năm 2018, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT là do Đồng Nai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý 'điểm đen' TNGT.

Nhân viên Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai sơn vạch đường trên đường tỉnh 769 đoạn qua huyện Thống Nhất

Nhân viên Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai sơn vạch đường trên đường tỉnh 769 đoạn qua huyện Thống Nhất

Đến nay, các ngành chức năng đã hoàn thành xử lý xong 27/27 vị trí “điểm đen” TNGT trên các tuyến quốc lộ 1, 20 và 51 qua địa bàn tỉnh. Trong đó có 2 nút giao thông đặc biệt nghiêm trọng là ngã tư Vũng Tàu và ngã tư Dầu Giây.

* Khắc phục những bất cập

Phần lớn các “điểm đen” TNGT tại các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh hình thành tại vị trí các điểm đấu nối, ngã ba, ngã tư giữa các tuyến quốc lộ với tỉnh lộ; nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có người gác chắn; đoạn đường có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm; không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV Nguyễn Văn Thành cho rằng, một trong những điểm sáng của Đồng Nai trong năm 2018 là đã rà roát, xóa bỏ hoàn toàn các “điểm đen” về TNGT. Mặc dù đã xử lý xong các “điểm đen” nhưng tỉnh cũng cần phải hạn chế phát sinh những vị trí tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông, để không xuất hiện thêm các “điểm đen” gây nguy hiểm cho người đi đường.

Ngoài ra, một số “điểm đen” còn có kết cấu hạ tầng giao thông nhiều bất cập, chất lượng mặt đường không đảm bảo, hệ thống biển báo, vạch sơn dải phân cách mờ, có nơi không có; mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà… dẫn đến mất an toàn giao thông. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm cho người đi đường.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, thời gian qua các ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra, thống nhất các phương án phân luồng, tổ chức giao thông, chấn chỉnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại công trình đang thi công như: nút giao quốc lộ 1 với đường Hùng Vương (huyện Xuân Lộc), nút giao đường Võ Nguyên Giáp với đường Chu Mạnh Trinh và đường Tân Cảng (TP.Biên Hòa), đường chuyên dùng với quốc lộ 51, nút giao đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Riêng 2 khu vực lâu nay được coi là phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng như: ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất), ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa), ngành chức năng đã tiến hành xây dựng cầu vượt, hầm chui cũng như điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn, biển báo theo hướng giải quyết tình trạng ùn tắc, nguy cơ tai nạn đối đầu.

Đối với các vị trí “điểm đen” đi qua khu vực trung tâm TP.Biên Hòa như: ngã tư Amata, ngã tư Cầu Sập, ngã ba Phát Triển…, ngành chức năng đã khẩn trương điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống biển báo phù hợp với các quy chuẩn, khắc phục tình trạng thiếu vạch sơn phân làn hoặc vạch sơn bị mờ. Đặc biệt đã xử lý dứt điểm tình trạng ngập nước nghiêm trọng trên quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa).

Ngoài ra, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án BOT trên quốc lộ 1, quốc lộ 51 chủ động phương án điều tiết giao thông, bố trí thêm người tại các chốt thu phí, xả trạm kịp thời khi xảy ra ùn tắc.

* Hạn chế phát sinh “điểm đen”

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2019 đơn vị sẽ phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn dễ xảy ra TNGT. Trong đó, sẽ tập trung xử lý các khúc cua gắt, mở rộng tầm nhìn, kết hợp làm các vị trí dừng, đậu khẩn cấp cho xe dọc tuyến, xây dựng đường lánh nạn, xây dựng hộ lan bằng nhiều kết cấu khác nhau phù hợp với điều kiện địa hình.

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm là một trong những giải pháp góp phần giảm tai nạn giao thông. Trong ảnh, lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa.

Riêng tại Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Quản lý đường bộ IV đang tiến hành lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ tại những vị trí đèo dốc nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; lắp camera giám sát và phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, hệ thống biển báo, vạch sơn cũng được hoàn chỉnh đúng theo quy chuẩn 41/2016 mà Bộ Giao thông - vận tải đã quy định. Mới đây, Cục Quản lý đường bộ IV đã tiến hành trồng cây xanh trên tuyến quốc lộ 20 qua khu vực có ta-luy âm, đường cong, có nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, nhận định của các ngành chức năng cho thấy, không phải cứ xóa “điểm đen” là sẽ hết TNGT mà quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông. Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các “điểm đen” TNGT, các vị trí có nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

“Lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn như: đi sai làn đường, phần đường, vượt xe sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ, đặc biệt là tập trung xử lý các loại xe container, xe tải và xe khách...” - ông Liêm nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201903/no-luc-xoa-diem-den-tai-nan-giao-thong-2935747/