Nỗ lực xóa điểm đen giao thông

Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2018 đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là ghi nhận đáng chú ý trong cuộc trao đổi cuối tuần qua giữa phóng viên Báo SGGP với ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM.

Lưu thông tại quốc lộ 1 giao với đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: CAO THĂNG

Cải thiện tình hình ùn tắc giao thông tại nhiều điểm nóng

° PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong nửa đầu năm nay?

° Ông VÕ KHÁNH HƯNG: Ghi nhận tổng quát, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình ATGT trên địa bàn TPHCM đã được cải thiện đáng kể, các vụ tai nạn giao thông đã được kéo giảm trên cả 3 mặt. Cụ thể trong thời gian này, toàn thành phố xảy ra 1.776 vụ tai nạn giao thông, bao gồm cả va chạm giao thông. Các vụ tai nạn này làm chết 324 người, bị thương 1.213 người. So với cùng kỳ năm 2017, tai nạn giao thông giảm 42 vụ, giảm 13 người chết và giảm 225 người bị thương.

Trong công tác nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT, trong nửa đầu năm nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý 6.647 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa. Phát hiện và xử lý 1.060 vụ vi phạm về dừng, đậu, đón trả khách không đúng nơi quy định, xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, phương tiện hoạt động có dấu hiệu xe “dù” tại khu vực quanh Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga, trước Khu du lịch Suối Tiên và dọc các tuyến quốc lộ. Thanh tra Sở GTVT cũng phát hiện và xử lý 1.137 vụ vi phạm liên quan đến xe quá tải, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm trước đó.

° Tình hình ùn tắc giao thông thì sao, thưa ông ?

° Trong nửa đầu năm nay, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố, các cửa ngõ ra vào thành phố… tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như tình hình thời tiết, mưa lớn gây ngập tại một số đoạn đường làm ảnh hưởng đến giao thông hoặc xảy ra sự cố tai nạn… Mặc dù vậy, nhìn chung tình hình ùn tắc giao thông vẫn được kiểm soát tốt nhờ có sự phối hợp thông tin, bố trí lực lượng và triển khai phương án điều tiết kịp thời giữa các lực lượng chức năng, các nhóm phản ứng nhanh.

Về xử lý 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, đến nay đã có 18 điểm chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến.

Sở GTVT cũng đã triển khai giải pháp xử lý kỹ thuật như cải tạo kích thước hình học, điều chỉnh dải phân cách, sắp xếp lại các làn xe, bổ sung biển báo cấm quay xe, cấm ô tô rẽ trái trong giờ cao điểm, lắp đặt dải phân cách di động, kết hợp các chốt đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt camera quan sát giao thông… Tất cả các biện pháp trên đã giúp cải thiện tình hình ùn tắc giao thông tại nhiều điểm nóng như trên đường Phan Văn Trị, đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng, thuộc quận Gò Vấp; giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ cũng thuộc quận Gò Vấp; đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; nút giao An Phú, quận 2…

Phát sinh 3 điểm đen giao thông

° Thành phố có biện pháp gì để xử lý các điểm đen tai nạn giao thông?

° Thống kê mới nhất của chúng tôi cho thấy, trong nửa đầu năm nay, địa bàn thành phố phát sinh thêm 3 điểm đen tai nạn giao thông. Đó là các vị trí trên đường Ba Tháng Hai, đoạn từ số nhà 15 đến số nhà 25 thuộc phường 11, quận 10; vị trí giao nhau giữa quốc lộ 1 và đường Nguyễn Hữu Trí, thuộc huyện Bình Chánh và đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đoạn từ số nhà 16A đến đường Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, hiện nay tổng số điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố có 20 điểm.

Để xử lý các điểm đen này, Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như mở rộng làn rẽ phải và cấm ô tô tải rẽ phải từ quốc lộ 1 vào đường Nguyễn Hữu Trí; điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép 40km/giờ trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 và 50km/giờ trên đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn; lắp đặt camera giám sát tốc độ lưu thông trên cầu Phú Mỹ; lắp đặt dải phân cách trên đường Hoàng Sa, quận 1; tăng cường các vạch sơn giảm tốc từ đường nhánh vào tỉnh lộ 15 thuộc huyện Củ Chi, tại các khu vực giao cắt bị khuất tầm nhìn…

° Ông có nhận xét gì về công tác đảm bảo ATGT cho người đi bộ và trẻ em trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?

° Suốt thời gian qua, đối tượng là người đi bộ và trẻ em đã được thành phố quan tâm đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo ATGT. Cụ thể, Sở GTVT đã hoàn thành công trình xây cầu vượt bộ hành trên đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận; cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn trước Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5; bổ sung các tiện ích cho người bộ hành như xây dựng đảo dừng chờ, tôn cao mặt đường tại vị trí vạch đi bộ ở nhiều nơi; lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối đi dành lưu thông bộ hành trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), đoạn từ đường Calmette đến đường Phó Đức Chính.

Đối với khu vực trường học, các giải pháp được thực hiện như xây dựng lối qua đường tôn cao; lắp đặt biển báo “Trẻ em”, biển báo “Đi chậm” nhằm tăng cường ATGT tại 2 trường học là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) và Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3). Bổ sung vạch đi bộ và biển báo tại khu vực Trường Tiểu học Sông Lô và Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đoạn từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Nguyễn Đình Chiểu. Lắp đặt đèn chớp vàng tại giao lộ Lê Thị Riêng - đường D20 khu nhà ở phường Thới An (quận 12) để đảm bảo ATGT khu vực Trường Tiểu học Kim Đồng…

° Những giải pháp đáng chú ý nào sẽ được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2018, thưa ông?

° Chúng tôi xác định có 4 nhóm giải pháp được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Đó là nhóm các giải pháp liên quan đến công tác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT. Nhóm giải pháp về đầu tư các dự án, công trình giảm ùn tắc giao thông, khép kín các tuyến đường vành đai; gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Nhóm giải pháp về phát triển hệ thống vận tải công cộng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và quản lý nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn thành phố. Nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải, kể cả trong công tác xử phạt vi phạm về trật tự ATGT.

THIỆN NHÂN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-luc-xoa-diem-den-giao-thong-530108.html