Nỗ lực xây dựng vùng lúa Japonica

Thời gian qua, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng thành công 26 vùng sản xuất giống lúa Japonica (1.776ha) đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng VietGAP và hữu cơ.

Đặc biệt, đơn vị đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thành công 2 chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa Japonica tại các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, làm tiền đề nhân rộng trên địa bàn.

Sản phẩm gạo Khu Cháy với các loại gạo trong nhóm Japonica của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) đã khẳng định được thương hiệu. Ảnh: Thanh Tùng

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm đã đưa nhóm các giống Japonica (J02, J01, VAAS16, ĐS1) vào gieo cấy tại các vùng chuyên canh lúa hàng hóa trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm gạo Japonica, phục vụ thị trường Thủ đô và một số tỉnh lân cận, tiếp đến hướng tới xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 50 lớp tập huấn, 1 lớp đào tạo cho 4.026 cán bộ, nông dân tại 26 hợp tác xã về quản lý, kỹ thuật thâm canh, công nghệ sau thu hoạch, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica...

Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất lúa, gạo Japonica được bền vững, ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện kết nối các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã. Qua đó, Trung tâm đã kết nối được 5 doanh nghiệp thu mua sản phẩm lúa tươi cho nông dân, tiêu thụ được hơn 2.000 tấn thóc tươi. Các vùng sản xuất lúa Japonica đã đạt hiệu quả trên tất cả các phương diện kinh tế, xã hội, môi trường. Tổng giá trị sản phẩm bình quân lúa Japonica đạt gần 60 triệu đồng/ha/vụ; sản lượng lúa Japonica đạt 10.668,6 tấn. Với 1.776ha lúa Japonica triển khai thời gian qua, nông dân Hà Nội đã thu lãi hơn 52,5 tỷ đồng.

Mặt khác, Trung tâm đã tập trung xây dựng 2 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho 2 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam) và Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ). Các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia được đơn vị hỗ trợ 100% bao bì đựng gạo; 100% kinh phí tập huấn; 100% kinh phí tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Với sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tính riêng vụ mùa 2020, hai đơn vị đã tiêu thụ được hơn 300 tấn thóc tươi cho nông dân. Nông dân được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nên rất yên tâm sản xuất.

Bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết chia sẻ, với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, từ chỗ tiêu thụ tự phát, gặp nhiều khó khăn trong mọi khâu kết nối với các đơn vị, xây dựng thương hiệu… nay sản phẩm gạo Khu Cháy của đơn vị với chủ lực là các loại gạo trong nhóm Japonica đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm tiêu thụ ngày một tăng. Ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) thông tin, hiện địa phương đã xây dựng thành công vùng lúa hữu cơ hơn 30ha, tiến tới mở rộng ra toàn xã trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc xây dựng, phát triển vùng trồng lúa Japonica gắn với xây dựng chuỗi liên kết là hướng đi đúng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu; đồng thời, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/981452/no-luc-xay-dung-vung-lua-japonica