Nỗ lực xây dựng thương hiệu Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Bài 7: Còn mảng tối trong bức tranh đô thị Sau ba năm lập lại trật tự đô thị, Hà Nội đã giải tỏa hàng trăm chợ "cóc”, vỉa hè nhiều tuyến đường đã được các quận, huyện sắp xếp lại ngăn nắp, trật tự... Tuy nhiên, kết quả này không được duy trì thường xuyên, khiến cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, họp chợ “cóc” lại bùng phát trở lại. Những “mảng tối” này nếu không xử lý triệt để sẽ làm cho bức tranh đô thị văn minh, sạch đẹp của Thủ đô mãi dở dang.

Dai dẳng chợ “cóc”

Giờ tan tầm, dòng xe máy, xe đạp, xe thồ nhích từng bước trên cầu Long Biên. Đông xe lại thêm dãy hàng quán, chợ “cóc” la liệt chặn ngay phía đường đầu cầu phía bắc, khiến cho ai cũng bực bội. Bác Nguyễn Văn Tâm, ở ngõ 399 phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, chợ cóc vây quanh vườn hoa Ngọc Thụy, dưới chân cầu Long Biên tồn tại đã nhiều năm nay. Không chỉ bày bán hàng hóa trên vỉa hè, bờ đê, nhiều hàng rong, xe thồ còn tràn xuống cả lòng đường, thu hẹp lối đi của các phương tiện giao thông. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành giải tỏa, nhưng chỉ thoáng đãng, sạch sẽ được một thời gian ngắn rồi sau đó lại tái diễn cảnh này.

Dù đã có khu chợ Xanh, nhưng trong khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn tồn tại một chợ “cóc”, thậm chí chợ “cóc” này còn đông người mua kẻ bán gấp hai, ba lần chợ Xanh, tấp nập từ sớm cho tới khoảng 10 giờ sáng mới tan. Không chỉ bày bán nông sản, đồ gia dụng, người ta còn giết mổ, sơ chế gia cầm, hải sản…, ngay trên vỉa hè, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân trong khu đô thị cho biết, có đợt chính quyền làm mạnh, người buôn bán ở chợ “cóc” này tìm cách đưa hàng hóa lên các xe máy, xe đạp chở đi bán. Sau này thấy tình hình im ắng, họ lại tụ họp đông đúc.

Những khu chợ “cóc”, chợ tạm đã “bén rễ”, len lỏi trong khắp các con ngõ, khu phố, tuyến đường, trở thành vấn đề nhức nhối của thành phố. Hà Nội hiện có hơn 430 chợ, 24 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và khoảng 700 cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích mua hàng tại các chợ “cóc”, chợ tạm. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tiếp tục thực hiện Năm Trật tự và văn minh đô thị, Sở đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền các quận, huyện, thị xã... phối hợp, rà soát, quản lý, lập phương án tổ chức giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, duy trì sau giải tỏa không để phát sinh trở lại. Tính đến cuối tháng 9-2016, lực lượng chức năng đã giải tỏa 119 tụ điểm chợ "cóc" hoạt động dưới lòng đường, trên vỉa hè. Đến cuối năm nay sẽ tổ chức giải tỏa 29 tụ điểm còn lại. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng tái họp chợ, nhất là khi vắng mặt lực lượng chức năng. Nhiều điểm chợ "cóc" nằm trên địa bàn giáp ranh cho nên khó giải tỏa dứt điểm.

Chợ "cóc" tồn tại dai dẳng trước hết là do sự xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương và do người tiêu dùng vẫn muốn mua hàng thuận tiện, giá rẻ. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào chính quyền tích cực chỉ đạo, vào cuộc một cách đồng bộ, thì khi chợ "cóc" và các tụ điểm chợ "cóc" phát sinh sẽ được giải tỏa ngay. Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ "cóc", chợ tạm, thành phố cần tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ. Chính quyền các địa phương phải nghiêm túc phối hợp thực hiện giải tỏa, tổ chức chốt giữ sau giải tỏa; bố trí diện tích xây dựng, tổ chức chợ dân sinh thu hút người dân vào mua sắm, đồng thời, tuyên truyền, định hướng cho người tiêu dùng và các hộ buôn bán chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, giao thông, trật tự, hướng tới xây dựng nếp văn minh thương mại cho người dân Thủ đô.

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh

Những ngày gần đây, từ 17 giờ chiều đến tối, vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại bị các hộ kinh doanh “đổ bộ” lấn chiếm bán hàng, xe máy, xe đạp, người ngồi ăn la liệt. Điển hình như các tuyến phố: Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm), Trúc Bạch (quận Ba Đình), Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân), Vĩnh Hồ, Thái Thịnh (quận Đống Đa), Lê Lợi, Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông), đoạn cuối phố Bà Triệu (đoạn từ ngã tư Lê Đại Hành-Bà Triệu ngã ba Bà Triệu-Đội Cung, quận Hai Bà Trưng)... Khái niệm "vỉa hè dành cho người đi bộ" dường như không tồn tại ở những tuyến phố này. Không chỉ có hàng ăn, mà các hàng tạp hóa, hàng rong, quán cà-phê cũng tranh thủ tận dụng từng mét vuông vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Hình ảnh dưới lòng đường xe của lực lượng chức năng liên tục qua lại, sẵn sàng xử lý người vi phạm, trên vỉa hè các chủ hàng quán luôn sẵn sàng để chạy thu dọn đồ đã trở nên quen thuộc tại các tuyến phố này. Thế nhưng, khi bóng dáng các lực lượng chức năng vừa khuất, vi phạm lại tái diễn, tạo nên một khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Chị Nguyễn Phương Dung, ở phố Lê Lợi, quận Hà Đông cho biết: Buổi tối các lực lượng chức năng ít đi kiểm tra hơn, cho nên các hàng quán đều chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. Chỉ khổ người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường cùng các phương tiện giao thông khác.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Năm Trật tự văn minh đô thị” được thành phố chỉ đạo xuyên suốt ba năm qua là kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè lòng đường. Các quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều đợt ra quân chấn chỉnh lại các bãi trông xe trên vỉa hè, tháo dỡ mái che, mái vẩy, các bục bệ lấn chiếm, dẹp nhiều tụ điểm chợ “cóc”, trả lại sự thông thoáng cho các tuyến phố... Trong quá trình triển khai, nhiều sáng kiến, cách làm mới đã được thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả, như lập đội trật tự tự quản, kẻ vạch vàng trên vỉa hè, xây dựng đội tự quản, các nhóm dân cư tự quản, các tuyến đường nở hoa…Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy do lực lượng chức năng thiếu kiên quyết trong xử lý, nhất là tại các khu vực giáp ranh cho nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, một số người dân lại coi việc ngồi vỉa hè ăn, uống là một thú vui khó bỏ. Chính vì vậy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn là hiện trạng gây nhức nhối ở Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh: Xây dựng văn minh đô thị phải trở thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức từ cán bộ các cấp đến mỗi người dân, để mỗi người dân phải thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn khu phố văn minh, sạch đẹp. Để đô thị Hà Nội văn minh trật tự, các cơ quan chức năng cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phối hợp đồng bộ. Công tác tuyên truyền cũng cần được thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn để mỗi người dân, nhất là các hộ dân kinh doanh nâng cao ý thức, tự giác thực hiện các quy định. Về lâu dài, thành phố cũng cần tính toán phương án hợp lý bởi nếu cứ tiếp tục duy trì “kinh tế vỉa hè” thì sẽ khó có thể có văn minh đô thị, bởi điều đó không chỉ gây nhếch nhác đô thị, mà còn tạo môi trường để nhiều đối tượng trục lợi.

TỔ PVTT HÀ NỘI (*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1-11-2016.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31364202-no-luc-xay-dung-thuong-hieu-thu-do-xanh-sach-dep.html