Nỗ lực vươn lên, giúp nhau thoát nghèo

Về xã An Phú, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội), nhiều người biết đến chị Ðặng Thị Triệu ở thôn Ðồng Chiêm, bởi không chỉ vươn lên làm giàu ở miền đất khó, mà đã trở thành một tỷ phú nổi tiếng từ một nghề đặc biệt: Nghề nhặt lá măng tre bát độ (lá bương).

Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

An Phú là xã miền núi với gần 70% số dân là đồng bào dân tộc Mường. Do địa hình lòng chảo, cho nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa do úng ngập, nhất là khi lũ rừng đổ về. Vào mùa mưa, cả xã như một ốc đảo, trắng xóa nước. Gia đình chị Triệu với bốn miệng ăn cũng chỉ trông vào gần một mẫu ruộng, năm được năm mất. Có muốn làm nghề phụ cũng chỉ có thể chăn nuôi thêm vài con gia cầm cải thiện cuộc sống. Năm 1992, cơ duyên giúp chị đổi đời là khi có một thương lái hỏi mua lá bương. Chị thấy lạ, cho nên hỏi tường tận những yêu cầu của khách về loại lá này. Nhận thấy công việc có thể mang lại thu nhập, chị Triệu đã nhận lời và sau đó, lặn lội đi khắp vùng, sang tận các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Yên Bái... để thu mua, tích trữ một số lượng lớn lá bương. Sau khi xử lý cơ bản bằng lò sấy, cuối năm 1992, chị đã xuất mẻ lá khô đầu tiên, và thắng lớn với giá 14 nghìn đồng/kg (thời điểm đó, giá vàng chưa đến 400 nghìn đồng/chỉ). Chị Triệu cho biết, số lá khách mua được đóng gói xuất khẩu sang Ðài Loan (Trung Quốc) để dùng gói bánh cổ truyền, rất được ưa chuộng. Chỉ sau một năm làm nghề, chị Triệu đã trở thành một trong những người có kinh tế khá giả nhất làng. Căn nhà cấp bốn của chị được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang với nhiều đồ đạc hiện đại.

Dù cuộc sống khấm khá hơn nhưng nhận thấy nhu cầu mua lá bương còn nhiều, trong khi ở thôn, vẫn còn chị em không có việc làm, chị đã làm đơn vay vốn Hội Phụ nữ xã đầu tư mở xưởng sản xuất. Sau đó, thu mua lá từ các hộ dân trong thôn; đồng thời thuê 30 lao động là người địa phương thường xuyên làm việc ở xưởng. Công việc của các lao động là đếm lá bương phơi khô rồi phân loại đóng bao, với mức lương ổn định là 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại, không những bà con trong thôn mà nhiều hộ dân khác trong xã cũng được chị Triệu nhận thu mua, trung bình mỗi ngày vài tấn lá bương tươi. Ðể nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn, xã, năm 2010, chị Triệu thuê chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn bà con cách hái lá phơi sấy và đóng hàng đúng kỹ thuật. Nhờ nghề đi nhặt lá bương mà nhiều hộ ở địa phương đã thoát nghèo.

Với những nỗ lực và khát khao vươn lên trong cuộc sống, chị Ðặng Thị Triệu không chỉ làm giàu chính đáng bằng sức lực của mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân nông thôn tại vùng đất khó Ðồng Chiêm, xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ noi theo.

QUÝ THÀNH(Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/nguoi-tot-viec-tot/item/40379502-no-luc-vuon-len-giup-nhau-thoat-ngheo.html