Nỗ lực vì hòa bình

Hội nghị cấp cao lần thứ tám của Liên minh châu Phi (AU) về Libya vừa diễn ra ở thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo nhằm thúc đẩy những nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi sau hội nghị cấp cao diễn ra ở Berlin (Ðức) mới đây.

Hội nghị cấp cao lần thứ tám của Liên minh châu Phi (AU) về Libya vừa diễn ra ở thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo nhằm thúc đẩy những nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi sau hội nghị cấp cao diễn ra ở Berlin (Ðức) mới đây.

Ðây là cơ hội để các nước châu Phi khẳng định lại vị thế, trong đó bao gồm đặc quyền đối thoại liên quan đến Libya, trong bối cảnh Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá Libya đã trở thành "thỏi nam châm" hút sự can thiệp từ các lực lượng nước ngoài, khiến an ninh khu vực bị đe dọa.

Cuộc họp tại Brazzaville diễn ra chỉ 10 ngày sau hội nghị ở Berlin và trước hội nghị cấp cao tiếp theo của AU. Với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban AU M.Ma-ha-mát, Ðặc phái viên của LHQ tại Libya G.Salame, cùng lãnh đạo một số nước châu Phi, hội nghị ở Congo muốn kích hoạt những kết quả đạt được tại hội nghị Berlin nhằm nỗ lực cứu Libya thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, sau khi Phái bộ LHQ tại Libya (UNSMIL) lên tiếng chỉ trích việc tiếp tục vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.

Theo đánh giá của UNSMIL, số phận của lệnh ngừng bắn bấp bênh ở Libya đang là sợi chỉ mỏng manh và xung đột cần phải chấm dứt ngay lập tức tại quốc gia này. Lo ngại "lửa xung đột" ở Libya cháy lan đe dọa an ninh khu vực, năm quốc gia láng giềng của Libya mới đây cũng đã nhóm họp tại thủ đô Algiers của Algeria để tìm kiếm nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị cho Libya. Các nước láng giềng đều nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết cuộc khủng hoảng Libya thông qua giải pháp chính trị mà không có sự can thiệp của nước ngoài.

Các cuộc gặp nêu trên là một phần trong những nỗ lực phối hợp mạnh mẽ của các nước châu Phi với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Libya trên con đường giải quyết những vấn đề chính trị thông qua đối thoại. Chủ tịch Ủy ban AU M.Ma-ha-mát nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với các phe tham chiến ở Libya.

Trước việc các lệnh ngừng bắn và cấm vận vũ khí ở Libya tiếp tục bị vi phạm, mới đây, Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ đã tiến hành họp nghe báo cáo về hoạt động của UNSMIL nhằm tìm biện pháp hạ nhiệt căng thẳng ở quốc gia Bắc Phi. Ðại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNSMIL G.Salame đánh giá cao tiến triển quan trọng cho giải pháp chính trị ở Libya, song cũng bày tỏ lo ngại trước giao tranh tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời. Các nước thành viên HÐBA đều ủng hộ việc sớm thông qua một nghị quyết để khích lệ kết quả hội nghị Berlin, đồng thời nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Libya.

Nỗ lực quốc tế được thúc đẩy nhằm tháo gỡ bế tắc trong cuộc khủng hoảng Libya sau khi thông tin tình báo từ các nước cho biết về sự hiện diện ngày càng gia tăng của các lực lượng nước ngoài tham chiến ở quốc gia Bắc Phi này. Việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai tuyên bố can thiệp vào Libya đã gây ra những tranh cãi nảy lửa giữa các nước. Ankara cảnh báo tình hình hỗn loạn tại Libya có thể lan rộng ra toàn lòng chảo Ðịa Trung Hải nếu hòa bình không sớm được lập lại.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan kêu gọi tăng cường sức ép lên các lực lượng thân cận với quân đội miền đông (LNA) do Tướng K.Háp-ta đứng đầu - lực lượng đang chống lại Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận ở Tripoli. Trong khi đó, Mỹ, Nga, Pháp cũng như nhiều quốc gia trong khu vực cảnh báo, sự can thiệp của Ankara vào Libya có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa châm ngòi "thùng thuốc súng" ở quốc gia Bắc Phi. Ông G.Salame cũng bày tỏ lo ngại khi hai bên xung đột đều tiếp tục nhận tiếp viện từ bên ngoài, bao gồm vũ khí, máy bay chiến đấu, cố vấn quân sự…, làm dấy lên nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang ở Libya.

Cuộc khủng hoảng Libya cần một giải pháp toàn diện và lâu dài, đồng thời phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan. Việc liên tiếp diễn ra các hội nghị quốc tế về Libya trong hai tuần gần đây cho thấy, tình hình an ninh ở quốc gia này đang trở thành vấn đề cấp bách của toàn khu vực, khi Libya vốn được coi là "cửa ngõ" quan trọng nối châu Phi và châu Âu, hai châu lục vốn có quan hệ lợi ích ràng buộc.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43108402-no-luc-vi-hoa-binh.html