Nỗ lực 'truyền lửa', tạo áp lực và cạnh tranh

Trong thời gian rất ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tiếp dự 7 hội nghị xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố, với số tiền cam kết đầu tư lên tới nhiều tỷ USD mỗi địa phương.

Thủ tướng thăm mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng, ngày 19/6 vừa qua. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng thăm mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng, ngày 19/6 vừa qua. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Gần đây nhất, ngày 27/8, Thủ tướng đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình và trước sự chứng kiến của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD.

Trước đó là các hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước (ngày 20/8 với hơn 1 tỷ USD cho các quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư); Cần Thơ (ngày 10/8 với 85.000 tỷ đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư và 8.000 tỷ đồng quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Tiền Giang (ngày 9/8 với 16.000 tỷ đồng)…

Các hội nghị trong tháng 6 và tháng 7 cũng rất thành công như hội nghị của Thái Nguyên (ngày 1/7 với gần 47.000 tỷ đồng); Sóc Trăng (19/6 với khoảng 6 tỷ USD); Hà Nội (17/6 với hơn 17 tỷ USD).

Đây rõ ràng là những con số hết sức đáng khích lệ, trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả của những hội nghị xúc tiến đầu tư có lẽ không dừng lại ở những con số tỷ USD rất ấn tượng trên. Về các tỉnh, thành phố dự các hội nghị, người đứng đầu Chính phủ luôn tranh thủ thời gian để đi thực tế, thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh mới và dành thời gian làm việc với lãnh đạo chủ chốt địa phương.

Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng cũng đã “tận dụng” tối đa cơ hội để giúp các địa phương “tiếp thị” về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, các dự án trước các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nêu rõ những điểm bất lợi, những điểm yếu cần khắc phục, đồng thời gợi mở những giải pháp xử lý, khắc phục. Đây đều là những nội dung hết sức quan trọng đối với các địa phương và cả với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, điều luôn được Thủ tướng nhấn mạnh tại các hội nghị, đó là yêu cầu về quyết tâm, khí thế, tầm nhìn mới trong phát triển của các địa phương. Ông liên tục nhắc nhở các địa phương phải luôn trăn trở, tìm tòi những cách làm mới, sẵn sàng bứt phá vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải liên tục đổi mới tư duy, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách, đang cản trở sự phát triển, cản trở sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Ở Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng đã hết sức nỗ lực, hết sức quyết liệt trong việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và theo những thông tin mới nhất, trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, dự báo toàn bộ 12 chỉ tiêu của năm 2018 sẽ hoàn thành toàn diện.

Nhiều tổ chức quốc tế như Fitch's Ratings, Moody's, ANZ vừa đưa ra những dự báo và nhận định khả quan về nền kinh tế Việt Nam.

Moody’s ngày 21/8 nhận định kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới, với tốc độ tăng GDP trung bình ở mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của các quốc gia có cùng mức tín nhiệm Ba3.

Trong bối cảnh chung đó, nhiều báo cáo, nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của các địa phương trong việc thực thi chính sách. Mới đây nhất, theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (Chỉ số APCI 2018) do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính xây dựng, chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

Theo các chuyên gia, khi tinh thần “Liêm chính - Kiến tạo - Hành động - Phục vụ” chưa trở thành nhận thức thường xuyên, chưa đi vào hành động và trở thành văn hóa của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, khi quan hệ giữa các cán bộ chính quyền và doanh nghiệp, người dân chưa hoàn toàn là mối quan hệ phục vụ, thì việc truyền tải thông điệp, thúc đẩy thay đổi nhận thức, “truyền lửa” cải cách là vô cùng quan trọng, từ đó góp phần xác lập và củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường.

Quan trọng không kém những con số tỷ USD thu hút đầu tư, việc Thủ tướng liên tục làm việc tại địa phương và dự các hội nghị xúc tiến đầu tư còn nhằm “truyền lửa” về tinh thần “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”. Cùng với những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách tại các địa phương, từ đó hình thành một “cuộc đua” mới trong phát triển.

Hà Chính

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/no-luc-truyen-lua-tao-ap-luc-va-canh-tranh/345397.vgp