Nỗ lực trả lại an toàn cho các vùng đất

Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) được thành lập từ năm 2014 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ khắc phục, xử lý hậu quả do bom, mìn, vật nổ (BMVN) để lại. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bom, mìn (4-4), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng giám đốc VNMAC về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bom, mìn ở nước ta.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chúng tôi được biết lượng BMVN còn sót lại sau chiến tranh trên đất nước ta hiện nay còn khá lớn, cụ thể là như thế nào?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Trải qua các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi BMVN. Theo số liệu được công bố mới đây, cả nước hiện có 9.116 xã (tương đương 81,87%) thuộc 63 tỉnh, thành phố bị ô nhiễm BMVN ở các mức độ. Ước tính, hiện còn khoảng 600-800 nghìn tấn BMVN còn sót lại sau chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam. Hằng năm, chúng ta phải dành ra hàng nghìn tỷ đồng cho công tác rà phá bom, mìn (RPBM), khắc phục hậu quả (KPHQ) chiến tranh. Để dọn sạch BMVN còn sót lại, ước tính chúng ta cần hàng trăm năm với kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

 Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp.

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp.

PV:Với thực trạng như vậy, sự ra đời của trung tâm sẽ thực hiện những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu gì?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Trung tâm đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Quốc phòng (BQP) trực tiếp quản lý để thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia KPHQ bom, mìn sau chiến tranh. Trung tâm có nhiệm vụ chủ yếu là: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch KPHQ bom, mìn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai kế hoạch; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia trong lĩnh vực KPHQ bom, mìn.

PV: Cụ thể là trung tâm đã làm những gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Kể từ khi đi vào hoạt động, trung tâm đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, BQP xây dựng hệ thống hành lang pháp lý cho công tác KPHQ bom, mìn, trong đó có nghị định về quản lý và thực hiện hoạt động KPHQ bom, mìn; trình BQP ký, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Trung tâm đã tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của BMVN còn sót lại sau chiến tranh; tháng 4-2018 đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu BMVN sau chiến tranh ở Việt Nam-giai đoạn 1” nhằm cung cấp dữ liệu tổng thể về thực trạng ô nhiễm BMVN trên phạm vi đất liền toàn quốc; phân tích, đánh giá tác động của ô nhiễm BMVN đến phát triển kinh tế-xã hội, đề xuất các giải pháp khắc phục. Từ năm 2016 đến nay, VNMAC đã tham gia điều phối các đơn vị công binh và các doanh nghiệp của BQP triển khai thực hiện rà phá được tổng diện tích hơn 100.000ha, xử lý, hủy nổ hàng nghìn tấn BMVN trong phạm vi cả nước…

PV: Ngoài hoạt động rà phá, xử lý BMVN, còn công tác tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân thì như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, các hội, quỹ hỗ trợ KPHQ bom, mìn và các địa phương tổ chức nhiều chương trình giao lưu nhân Ngày Thế giới phòng, chống bom, mìn (4-4); qua đó đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng, hậu quả của bom, mìn, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho người dân tại các địa phương. Vừa qua, trung tâm đã hoàn thiện trang web vnmac.gov.vn, đưa vào hoạt động phục vụ tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom, mìn và vận động tài trợ quốc tế, đồng thời triển khai biên soạn, in và phát hành hàng chục bộ tài liệu phục vụ tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn. Trung tâm đã phối hợp với các hội, quỹ tặng 260 suất quà tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập với cộng đồng.

Cán bộ của Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam phổ biến kiến thức về bom, mìn cho các học sinh tỉnh Kon Tum. Ảnh: VĂN THÂN.

PV: Chúng tôi được biết, những năm gần đây, các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động hỗ trợ để KPHQ bom, mìn tại Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Đúng là như vậy, do nguồn lực trong nước còn hạn chế nên việc tăng cường các hoạt động hợp tác, vận động tài trợ là hết sức cần thiết. Từ năm 2003 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 103 triệu USD để thực hiện nhiệm vụ KPHQ bom, mìn. Nhật Bản từ năm 2009 đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 5,5 triệu USD để triển khai thực hiện hai dự án RPBM. Chính phủ Anh đã hỗ trợ thông qua hoạt động của Nhóm cố vấn bom, mìn (MAG), NPA. Còn Chính phủ Hàn Quốc từ năm 2016 thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã viện trợ thực hiện Dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác KPHQ bom, mìn sau chiến tranh” với kinh phí 20 triệu USD…

PV: Việc KPHQ bom, mìn cần một thời gian rất dài, vậy mục tiêu trước mắt mà trung tâm xác định là gì?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Chúng tôi xác định tập trung vào một số vấn đề cốt lõi, đó là: Xây dựng, hoàn chỉnh chính sách, cơ chế vận động tài trợ, phối hợp điều hành cấp quốc gia cho công tác KPHQ bom, mìn. Tổ chức tốt hoạt động điều phối và quản lý các dự án; tiếp tục đẩy mạnh điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn toàn quốc phục vụ vận động tài trợ, xây dựng dự án RPBM mới. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dò tìm, xử lý BMVN, bảo đảm chất lượng…

Hoàn thành các nhiệm vụ trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ diện tích ô nhiễm BMVN trên toàn quốc xuống dưới 15%; từ đó tạo đà cho công tác KPHQ bom, mìn giai đoạn tiếp theo, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cho đời sống người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-tra-lai-an-toan-cho-cac-vung-dat-614239