Nỗ lực tìm kiếm nhằm 'trả lại tên' cho các anh

Những năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam tích cực phối hợp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các cựu chiến binh (CCB)... tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân liệt sĩ. Hội đang nỗ lực chung tay, góp sức hỗ trợ thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) và giám định gen (ADN) xác định danh tính liệt sĩ (DTLS) để “trả lại tên” cho các anh, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh.

Vì nghĩa tình đồng đội

Hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cả nước đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào anh dũng hy sinh; nhưng hiện vẫn còn gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, khoảng 300 nghìn liệt sĩ tuy đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính… Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước và có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TK, QTHCLS). Nhất là Chỉ thị 24-CT/TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh công tác TK, QTHCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án 1237 về TK, QTHCLS và Đề án 150 của Chính phủ về xác định HCLS còn thiếu thông tin, được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cả nước triển khai tích cực, góp phần đáp ứng nguyện vọng của các gia đình liệt sĩ (GĐLS) và toàn xã hội.

Từng “vào sinh, ra tử” cùng đồng đội chiến đấu trên các chiến trường, Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội cho biết: Hội HTGĐLS Việt Nam được thành lập ngày 24-10-2010, với tám nhiệm vụ; trong đó, nhiệm vụ tham gia tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và xác định DTLS còn thiếu thông tin được Hội rất coi trọng. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên, hội viên trong Hội, nhiều người là thương binh, thân nhân liệt sĩ, dù đã nghỉ hưu, hay còn đang công tác, hoặc sinh sống ở nước ngoài, nhưng vì nghĩa tình với đồng đội đã hy sinh, đồng cảm với nỗi đau của các GĐLS, đã tích cực tham gia các hoạt động; vượt núi, xuyên rừng trở lại chiến trường năm xưa ở trong nước và nước bạn Lào, Cam-pu-chia tham gia TK, QT hài cốt đồng đội, người thân...

Năm 2013, Hội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 phục vụ giám định ADN, xác định DTLS tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) hữu nghị Việt - Lào, ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Hội tổ chức các đoàn phối hợp Viện Pháp y Quân đội cùng các cơ quan chức năng ở 36 tỉnh, thành phố và Ban liên lạc CCB Mặt trận 31 tiến hành thu thập được 1.050 trong tổng số 1.085 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện Đề án 150 của Chính phủ, Hội phối hợp tổ chức nhiều đợt đi lấy mẫu HCLS và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ theo từng nhóm mộ tại các NTLS: Hương Thủy, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), Ba Dốc (Quảng Bình), Hướng Hóa (Khe Sanh), NTLS Đường 9 (Quảng Trị) để giám định ADN hơn 150 mẫu HCLS còn thiếu thông tin. Theo đó, Hội thực hiện tròn khâu, từ việc xác minh thông tin, phối hợp khai quật từng nhóm mộ lấy mẫu HCLS, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, giám định ADN xác định DTLS…; kinh phí bảo đảm các hoạt động đều do Hội tự vận động, chi trả.

Tuy nhiên, do chiến tranh đã lùi xa, đơn vị cũ giải thể hoặc biến động nhiều; hồ sơ lưu trữ về liệt sĩ một số đã thất lạc; số đồng đội còn sống nay đã già yếu, trí nhớ giảm sút, thông tin về liệt sĩ ngày càng ít đi; địa bàn nơi xảy ra các trận đánh hiện thay đổi nhiều; HCLS được quy tập, dịch chuyển có trường hợp tới vài ba lần... Bởi vậy, tìm được HCLS đã khó, nhưng xác định hài cốt đó là của liệt sĩ nào lại càng khó khăn gấp bội. Cùng với đó, việc điều tra, xác minh thân nhân liệt sĩ theo dòng mẹ để lấy mẫu sinh phẩm làm mẫu đối chứng rất gian nan.

Đại tá Phạm Văn Phủng, Phó Trưởng ban Chính sách Hội HTGĐLS Việt Nam cho biết: Năm 2016, Hội phối hợp khai quật 60 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại ba NTLS ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Trong đó, có 48 mộ lấy được mẫu HCLS, song nhiều mộ chất lượng hài cốt không còn tốt, 12 mộ khác HCLS đã tiêu hủy. Hoặc nhóm mộ của 17 liệt sĩ Tiểu đoàn 2 Đặc công (Quân khu Trị Thiên), hy sinh trong trận chiến đấu ngày 17-7-1969, tại khu vực núi Hòn Bường, được chôn cất tại NTLS phường Hương An, thị xã Hương Trà, chưa xác định được DTLS. Khi Hội phối hợp các cơ quan, đơn vị và GĐLS khai quật nhóm mộ liệt sĩ nêu trên, 13 mộ lấy được mẫu hài cốt đã ngả mầu đen, còn bốn mộ khác HCLS đã tiêu hủy.

Trưởng khoa Y sinh học, Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế), Hà Hữu Hảo chia sẻ: Mai táng liệt sĩ qua nhiều năm, cho nên xương bị mục nát, chất lượng kém; hơn nữa, khi khai quật mộ, xương liệt sĩ dễ bị nhiễm ADN lạ của vi khuẩn hoặc của người đi lấy mẫu…, dẫn tới không tách chiết, phân tích được ADN để giám định xác định DTLS. Thời gian qua, Hội đã bàn giao cho Viện 13 mẫu HCLS của các liệt sĩ Tiểu đoàn 2 Đặc công (Quân khu Trị Thiên), do chất lượng hài cốt không còn tốt, nên khi tiến hành phân tích, giám định ADN gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần vì các liệt sĩ và GĐLS, cán bộ Hội đã tích cực phối hợp Viện Pháp y quốc gia, khắc phục mọi khó khăn, tiến hành các bước tách chiết, phân tích, đối chứng mẫu ADN bảo đảm chặt chẽ... Do vậy, đã cho kết quả đúng huyết thống, “trả lại tên” cho nhiều liệt sĩ.

Địa chỉ tin cậy của các gia đình liệt sĩ

Ông Phan Sỹ Thao, Trưởng ban Tuyên truyền của Hội, nhớ lại: Năm 2011, một số nơi, nhất là các tỉnh: Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh..., các “trung tâm”, dịch vụ tìm kiếm HCLS của tư nhân “mọc lên như nấm”. Việc tìm HCLS bằng phương pháp mê tín, tâm linh, nên hiệu quả thấp, gây tốn kém tiền của cho các GĐLS. Đã có không ít “trung tâm”, “nhà ngoại cảm” đề nghị được phối hợp với Hội trong việc tìm kiếm HCLS..., song Hội tôn trọng mọi thông tin, nhưng không hợp tác với bất cứ “trung tâm”, “nhà ngoại cảm” nào. Hội cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng, là trách nhiệm của người lính đối với đồng đội đã hy sinh, cho nên khi tiến hành phải bảo đảm độ chính xác, khoa học và tư cách pháp nhân. Do vậy, Hội tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương, ban liên lạc CCB... để thu thập thông tin về liệt sĩ, đi đôi tư vấn trực tiếp, hoặc thông qua trang Website trianlietsi.vn; tạp chí điện tử Tri ân.vn của Hội giúp hàng nghìn GĐLS đi tìm HCLS đúng hướng.

Từ cuối năm 2010 đến nay, Hội đã tư vấn, tìm kiếm HCLS, đồng thời phối hợp Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế), tiếp nhận mẫu HCLS còn thiếu thông tin để giám định ADN theo yêu cầu của GĐLS, với hơn 700 trường hợp Hội tổ chức tiếp nhận và giám định; tổ chức 28 đợt trao kết quả giám định ADN, xác định đúng danh tính, “trả lại tên” cho hơn 500 liệt sĩ… Như trường hợp liệt sĩ Hoàng Văn Đáp, sinh năm 1937, quê xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc); trú quán tại xã Minh Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái). Mẹ liệt sĩ Đáp là cụ Mai Thị Thi, sinh năm 1901; được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (năm 2002). Cụ Thi mất năm 2007, thọ 107 tuổi. Trước khi về cõi vĩnh hằng, cụ Thi vẫn trăn trối căn dặn các cháu: “Phải tìm được bố chúng mày về...!”…

Trước đó, từ năm 2001, các con liệt sĩ Đáp đã khởi đầu hành trình tìm kiếm hài cốt của cha đầy gian nan, vất vả... Có đợt vào Tây Ninh tìm kiếm nhiều ngày, nhưng không NTLS nào có mộ cha mình. Gia đình lại cất công lặn lội đi rất nhiều nơi song vẫn không có kết quả.

Được sự giúp đỡ của cơ quan, đơn vị các tỉnh: Yên Bái, Tây Ninh, Bình Phước; Quân đoàn 4; Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Hội HTGĐLS Việt Nam, CCB là đồng đội với liệt sĩ, các cụ già làng ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản (Bình Phước)... các con liệt sĩ Đáp bước đầu xác định ngôi mộ số 6, hàng số 6 trong NTLS Bình Long, ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản là mộ cha mình. Sau hơn ba tháng thấp thỏm chờ đợi, hy vọng, ngày 14-4-2016, các con liệt sĩ Đáp nhận được thông báo kết quả giám định ADN của Viện Công nghệ sinh học và Hội HTGĐLS Việt Nam, xác định cụ Mai Thị Thi chính là mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Đáp.

Cuối tháng 6-2016, các con của liệt sĩ Đáp vào NTLS Bình Long đón hài cốt cha. Ngày 7-7-2016, Lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Đáp tại NTLS tỉnh Yên Bái, trong niềm vui, xúc động khôn xiết của gia đình, người thân, đồng đội của liệt sĩ, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm; bởi sau 47 năm hy sinh nằm lại vùng đất phương nam, HCLS Hoàng Văn Đáp được đưa trở về nơi đất mẹ quê nhà.

Chị Hoàng Thị Hoa, con gái liệt sĩ Hoàng Văn Đáp, xúc động tâm sự: Tôi mong rằng, thời gian tới, Hội HTGĐLS Việt Nam tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương..., quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để nhiều GĐLS tìm được HCLS, xác định được DTLS qua kênh giám định ADN - địa chỉ tin cậy của các GĐLS...!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33435802-no-luc-tim-kiem-nham-%e2%80%9ctra-lai-ten%e2%80%9d-cho-cac-anh.html