Nỗ lực tìm chỗ đứng cho sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài

Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sản xuất ra sản phẩm đã là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là quảng bá, giới thiệu để tiêu thụ được sản phẩm đó. Cá tra, cà phê, trái cây là những mặt hàng có thế mạnh sản xuất của Việt Nam và các cơ quan chức năng đang nỗ lực để tìm chỗ đứng cho các sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Vườn xoài của lão nông Trần Văn Thơ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Tìm cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản, ngày 19-5, Lễ hội Việt Nam 2018 đã được khai mạc tại Công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe, Thứ trưởng Ngoại giao Okamoto Mitsunari cùng nhiều quan chức cấp cao của hai nước.

Cùng với lễ hội tại Tokyo, Lễ hội Việt Nam còn được tổ chức tại nhiều địa phương trên khắp đất nước Nhật Bản như Fukuoka, Aichi, Osaka, Kanagawa và Saitama … trong năm 2018.

Trong khuôn khổ lễ hội, Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản đã mở gian hàng giới thiệu các món ăn đặc sản, các nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, tổ chức những hoạt động giao lưu nhằm tăng cường sự kết nối của cộng đồng Việt Nam cũng như sự kết nối giữa người dân Việt Nam với người dân Nhật Bản.

Lễ hội Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 9-2008, là một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia của cả hai nước để kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Sự kiện đã thành công rực rỡ, trở thành sự kiện Việt Nam tại Nhật Bản lớn nhất trong lịch sử, thu hút 150.000 lượt khách trong vòng ba ngày. Từ sau thành công đó, Lễ hội Việt Nam tại Tokyo hàng năm tiếp tục thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, trở thành sự kiện trao đổi văn hóa lớn nhất giữa hai nước.

Trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam lần thứ 10 (2008-2018) tổ chức tại Tokyo, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực quảng bá mặt hàng nông sản nước ta tại thị trường Nhật Bản.

Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về các mặt hàng nông sản như trái cây, càphê… vì vậy đây cũng là những mặt hàng chủ lực được giới thiệu, quảng bá tại Nhật Bản trong thời gian tới. Theo ông Tạ Đức Minh, hiện tại Việt Nam đã đưa được 3 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản gồm thanh long ruột trắng ruột đỏ, xoài và chuối.

Ông cho biết trái cây Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản đều đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận rất tích cực. Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 2.500-3.000 tấn chuối, hơn 1.500 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản.

Ông Hidekatsu Ishikawa, Giám đốc Công ty VIENT Co.Ltd, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu trái cây Việt Nam vào Nhật Bản, cho biết trái cây Việt Nam như thanh long, xoài, chuối được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao. Trung bình mỗi năm, công ty của ông nhập khoảng 200 container trái cây Việt Nam vào thị trường Nhật Bản với số tiền lên tới 500 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD).

Ông cho rằng một trong những lợi thế của trái cây Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là thời gian vận chuyển ngắn, chỉ mất 6 ngày từ Việt Nam đến Nhật Bản nên đảm bảo được độ tươi ngon.

Trong thời gian tới, VIENT muốn mở rộng danh mục trái cây Việt Nam nhập vào thị trường Nhật Bản nhằm giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản được thưởng thức thêm nhiều trái cây chất lượng cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hidekatsu Ishikawa cũng đánh giá chất lượng dịch vụ kho vận tại Việt Nam còn hạn chế nên thời gian vận chuyển trái cây từ nơi thu hoạch đến cảng xuất khẩu vẫn còn khá dài. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Còn ông Tạ Đức Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nhận định xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản chính là một điều kiện, đồng thời là cơ hội để nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường nước ngoài khác.

Theo ông Minh, bộ phận thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu thêm những loại nông sản khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt… Hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản.

Vượt rào cản thương mại, cá tra Việt Nam vẫn “bơi” ra thế giới

Với việc chủ động trong đàm phán và linh hoạt trong tìm kiếm các thị trường thay thế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực vượt các rào cản thương mại để cá tra-basa Việt Nam tiếp tục có mặt tại thị trường Mỹ và nhiều thị trường lớn khác trên thế giới.

Tìm kiếm các thị trường thay thế

Phán quyết lần thứ 13 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với việc áp thuế cao nhất từ trước tới nay với mặt hàng cá tra-basa philê đông lạnh của Việt Nam đang khiến cho cánh cửa vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên hẹp hơn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm ứng phó các lần áp thuế vô lý của DOC trước đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản Miền Nam đã có sự chuyển hướng kinh doanh, tìm kiếm các thị trường mới thay thế như Trung Quốc, Nam Mỹ, Trung Đông, Nga và một số nước châu Âu để giảm thiểu các tác động bất lợi của phán quyết thuế chống bán phá giá này.

Công ty cũng phát triển các sản phẩm mới có tính đặc trưng, có giá trị gia tăng cao như xúc xích cá tra, humbuger cá, cá viên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ăn nhanh của khách hàng nước ngoài.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, cho biết với việc tìm kiếm thị trường như vậy cũng như chủ động được tới 90% nguồn nguyên liệu đầu vào, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra-basa của Công ty vẫn tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2017 cho dù DOC áp thuế chống bán phá giá vô lý lên sản phẩm cá tra-basa phi lê đông lạnh của Việt Nam.

Về phía Công ty Godaco - bị đơn bắt buộc mà DOC chọn xem xét hồ sơ áp dụng biên độ phá giá 2,39 USD/kg, Tổng Giám đốc Công ty Godaco Nguyễn Văn Đạo cho biết cá tra-basa Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và các thị trường mới nổi sau này hoàn toàn có thể thay thế thị trường Mỹ.

Vì vậy, Godaco đang tính toán phương án dừng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, thay vào đó sẽ tập trung khai thác những thị trường thuận lợi hơn như EU, Trung Quốc.

Cùng quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe nhìn nhận cá tra Việt Nam vẫn có sức hút trên thị trường thế giới. Hiện thị trường EU, Nam Mỹ đang phục hồi trong khi thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng tốt với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có giá trị cao.

Chủ động đàm phán với phía Mỹ

Là một trong số hai doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam không phải chịu áp thuế chống bán phá giá cao của Mỹ lần này cũng như trong tám năm liên tiếp vừa qua, ông Ngô Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông, cho biết Biển Đông và Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn đã chủ động đàm phán với nguyên đơn là Hiệp hội Cá nheo của Mỹ dựa vào các tính toán về mức giá bán ở Mỹ, mức giá trị thay thế ở nước thứ ba và các vấn đề sản xuất chưa phù hợp...

Nhờ vậy, hai doanh nghiệp đã không phải chịu mức thuế bán chống phá giá cao lần này và sản phẩm cá tra-basa của Biển Đông, Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang Mỹ mà không có sự trở ngại nào.

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương Chu Thắng Trung khẳng định có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, việc theo đuổi các vụ kiện như doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện chỉ là một cách tiếp cận. Ngoài ra, tham vấn, trao đổi và đàm phán giữa các bên liên quan để đạt được thỏa thuận chung đem lại lợi ích cho các bên cũng chính là cách tiếp cận hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Tiên quyết vẫn phải là chất lượng

Thực tế là trong hội nhập kinh tế thế giới, muốn xuất khẩu được thủy sản qua thị trường các nước thì doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là điều kiện tiên quyết để vượt qua mọi rào cản bảo hộ và bám trụ thành công tại các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe khẳng định.

Với hướng tiếp cận thị trường như vậy, Tổng Giám đốc Công ty Biển Đông cho biết từ nhiều năm trước Công ty đã định hướng chọn phân khúc thị trường có chất lượng cao và giá tốt để xuất khẩu cá tra-basa. Theo đó, Công ty đã đầu tư vùng nuôi chất lượng, an toàn từ khâu con giống, thức ăn... để cả quy trình đạt được tiêu chuẩn BAP về thực hành tốt của Mỹ hoặc các tiêu chuẩn của EU. Chiến lược này ban đầu cũng gặp khó khăn bởi nhiều doanh nghiệp khác luôn lấy tiêu chí hạ giá bán để vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, sự kiên định lấy tiêu chí chất lượng để cạnh tranh này là hướng đi đúng và sản phẩm cá tra của Biển Đông đã được người tiêu dùng tại các siêu thị lớn của Mỹ chấp nhận lâu dài ngay cả khi giá bán cao hơn so với sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp khác.

Đây cũng là phần quan trọng nhất của “bí quyết” tám năm liên tiếp Biển Đông thoát khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá của DOC, ông Trường chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay thì giải pháp hữu hiệu để trụ vững trên thị trường thế giới là phải chung tay nâng cao chất lượng sản phẩm tránh tính trạng xuất khẩu bằng mọi giá để rồi bị áp thuế cao của nước ngoài.

VASEP cho biết với những giải pháp doanh nghiệp đang triển khai, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2018 sẽ hoàn thành mục tiêu kim ngạch trên 1,8 tỷ USD cho dù xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đang gặp khó khăn.

Càphê hạt Việt Nam quảng bá ở Italy

Việt Nam đã tham gia Hội chợ càphê quốc tế “Milano Coffee Festival” diễn ra từ ngày 19 đến 21-5 tại thành phố Milan của Italy với sự tham gia của nhiều quốc gia sản xuất càphê, các thương hiệu càphê nổi tiếng của thế giới.

Việt Nam tham gia Hội chợ với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp chế biến càphê của Italy.

Tại Hội chợ, đại diện bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã giới thiệu hai loại càphê hạt Robusta và Arabica cùng một số sản phẩm càphê chế biến của Việt Nam, cung cấp tài liệu quảng bá về Hiệp hội càphê-Ca cao Việt Nam và một số doanh nghiệp càphê trong nước cho các nhà nhập khẩu, chế biến càphê Italy cũng như các bạn hàng quốc tế.

Nhà báo Mario Vicentini, chuyên gia hàng đầu về càphê của trang điện tử Comunicaffe của Italy, đánh giá càphê Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với Italy.

Đặc biệt càphê Robusta của Việt Nam có chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các nhà chế biến càphê. Đây là thành phần nguyên liệu quan trọng để sản xuất ra các sản phẩm càphê của Italy.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Italy cũng rất quan tâm đến càphê Arabica của Việt Nam. Các sản phẩm càphê thô của Việt Nam được các doanh nghiệp Italy nhập khẩu và chế biến, sau đó cung cấp ra các thị trường cả trong và ngoài Italy. Vì vậy, càphê Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ đối với thị trường Italy nói riêng mà còn cả với quốc tế nói chung.

Italy có hơn 1.000 nhà sản xuất càphê và không một nhà sản xuất nào của Italy không biết đến càphê của Việt Nam.

“Tất cả các hãng càphê của Italy hiện nay đều rất quan tâm đến càphê Việt Nam, bởi càphê hạt của Việt Nam là thành phần không thể thiếu trong tất cả các sản phẩm càphê của Italy,” ông Mario Vicentini nhấn mạnh.

Chia sẻ về thị trường càphê Việt nam, ông Federico Colombo, một doanh nhân Italy chuyên về xuất nhập khẩu, cũng nhận định “càphê Robusta với chất lượng tuyệt hảo của Việt nam đã rất nổi tiếng tại thị trường Italy. Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các doanh nghiệp càphê của Italy.”

Trao đổi về những biện pháp để mặt hàng cafe, cũng như nhiều mặt hàng có thế mạnh khác của Việt Nam, được xuất nhiều hơn sang thị trường Italy và châu Âu, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cho biết Bộ Công Thương và các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đều rất nỗ lực xúc tiến xuất khẩu và kêu gọi hợp tác kinh tế đầu tư với Việt Nam.

Việt Nam đã, đang và sẽ tổ chức nhiều sự kiện, tọa đàm giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, trực tiếp đi tìm hiểu, tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, các nhà máy gia công chế biến, các chuỗi siêu thị, tổ chức tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ hàng hóa Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.

Việc Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế càphê này là một biện pháp để giới thiệu trực tiếp hàng hóa Việt Nam đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng tại Italy.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thanh, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 214 tỷ USD. Xuất khẩu của năm 2018 dự kiến tiếp tục tăng 10% so với năm 2017.

Về xuất khẩu càphê, Việt Nam thường xuyên xếp ở vị trí thứ hai thế giới. Trong năm 2017, Việt Nam xuất được một lượng càphê trị giá 3,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2016. Italy là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Đức.

Italy trong năm 2017 đã nhập 274 triệu USD càphê từ Việt Nam, tăng 30% so với năm trước và chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italy.

Trong năm 2018 và các năm tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh những biện pháp xúc tiến thương mại với Italy, trong đó có việc tăng cường xuất càphê thô và càphê chế biến.

Đối với người dân Italy, càphê đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Việc thưởng thức càphê cũng đã trở thành nét đặc trưng văn hóa của đất nước này. Do vậy, sự kiện “Milano Coffee Festival” đã thu hút rất đông người dân Italy và du khách đến tham quan trong dịp này.

Ngoài việc được giới thiệu và thưởng thức các sản phẩm càphê nổi tiếng chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khách tham quan Hội chợ còn được các nhà sản xuất giới thiệu quy trình cho ra đời những sản phẩm càphê chất lượng cao cũng như được hướng dẫn cách thức pha chế và thưởng thức hương vị càphê đặc trưng của mỗi nhà sản xuất, mỗi quốc gia./.

Thanh Hòa tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/doi-ngoai-va-hoi-nhap/2018/50904/no-luc-tim-cho-dung-cho-san-pham-cua-viet-nam-o.aspx