Nỗ lực thúc đẩy hợp tác chống đánh bắt hải sản trái phép ở Đông Nam Á

Liên tiếp những tuần gần đây, lực lượng chấp pháp trên biển các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia thực hiện nhiều vụ bắt giữ các tàu thuyền của ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của ba nước này.

Tàu Malaysia tuần tra trên biển.

Tàu Malaysia tuần tra trên biển.

Các vụ việc cho thấy nạn đánh bắt hải sản trái phép vẫn là vấn đề nhức nhối ở khu vực Đông Nam Á, một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước có ngư trường bị xâm phạm với các nước có tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trái phép bị thu giữ, một mặt mỗi nước siết chặt các quy định với các chế tài nghiêm khắc, một mặt các nước cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ pháp luật, sống và hành động theo pháp luật, đồng thời tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân vùng ven biển.

Malaysia tiếp tục có các biện pháp cứng rắn với hành vi xâm phạm lãnh hải đánh bắt cá trái phép. Ngoài việc tăng nặng các chế tài xử phạt như tăng tiền phạt đối với chủ tàu hay thuyền trưởng tàu bị bắt lên gấp 6 lần, cũng như tăng cường bắt giữ thay vì xua đuổi, các lực lượng bảo vệ pháp luật nước này được phép đánh chìm tàu cá nước ngoài, sử dụng đạn thật trong quá trình thực thi công vụ... Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia còn có kế hoạch trang bị cho Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) nhiều trang thiết bị hiện đại như tàu tuần tra xa bờ (OPV), tàu tuần tra thế hệ mới (NGPC) hay tàu đa nhiệm (MPMS)… nhằm đảm bảo MMEA thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Chính phủ Indonesia cũng có những bước đi mạnh mẽ tương tự. Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào tháng 10/2019, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã có một số thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề an ninh biển theo hướng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện thái độ cứng rắn, không nhượng bộ trước các hành động vi phạm chủ quyền của tàu cá nước ngoài; chuyển từ “đánh chìm” toàn bộ sang tịch thu và tái sử dụng các tàu cá bất hợp pháp nước ngoài bị bắt giữ... Thái Lan đã sửa đổi hệ thống Luật Thủy sản với các khuyến nghị và cách tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào Hệ thống giám sát, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (MCS). Chính phủ Thái Lan cũng đã lập Trung tâm Chỉ huy chống đánh bắt cá trái phép dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Theo luật hiện hành, hành vi khai thác hải sản trái phép sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt hành chính tới 200 triệu đồng.

Tại Việt Nam, ngay sau khi khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định áp “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (23/10/2017), tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025, kèm theo nhiều văn bản liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hợp tác với các nước trong chống khai thác IUU. Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan nghề cá và hợp tác trên biển với các nước, trong đó có các nước khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia... Việt Nam thường xuyên trao đổi với các nước Đông Nam Á thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau, đặc biệt thông qua việc sử dụng các đường dây nóng phòng chống khai thác IUU giữa Việt Nam với Philippines, Campuchia, Brunei...; xúc tiến triển khai việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với Thái Lan...

Việt Nam cũng luôn thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm chống nạn đánh bắt cá IUU tại khu vực Đông Nam Á. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát huy tầm ảnh hưởng để cùng các nước thành viên chấm dứt hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân trong các vùng biển của nhau.

PHƯƠNG HỒ (TTXVN)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202009/no-luc-thuc-day-hop-tac-chong-danh-bat-hai-san-trai-phep-o-dong-nam-a-907923/