Nỗ lực thoát mác 'thiên đường thuế' của Luxembourg

Một quốc gia vỏn vẹn 626.000 dân, Luxembourg có tới 4 nghìn tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 1/10 tổng lượng vốn FDI toàn cầu…

Ông Jean-Claude Juncker, người giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) từ 2014-2019 và Thủ tướng Luxembourg từ 1995-2013.

Vụ bê bối LuxLeaks vào năm 2014 thực sự là cú sốc khó quên đối với ông Jean-Claude Juncker, một công dân của đại công quốc Luxembourg khi đó mới đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Trên cương vị người đứng đầu cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), ông Juncker buộc phải công bố một chiến dịch chống lại những hoạt động trốn thuế đã xảy ra ở Luxembourg trong chính khoảng thời gian ông giữ cương vị Thủ tướng nước này trước đó.

Theo tờ Financial Times, trong vụ bê bối nói trên, một lượng lớn tài liệu do tổ chức International Consortium of Investigative Journalists (ICIJ) công bố đã tiết lộ rằng trong suốt 18 năm ông Juncker làm Thủ tướng, công quốc với diện tích nhỏ bé thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trốn thuế.

Theo những tài liệu bị rò rỉ, hơn 300 công ty đa quốc gia đã được một cơ quan thuế của Luxembourg cấp cho những thỏa thuận bí mật. Nhờ những thỏa thuận này, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà các công ty phải nộp thực tế được hạ thấp tới mức 1%. Nhiều tỷ USD doanh thu khi được di chuyển qua chi nhánh công ty đặt tại Luxembourg đã gần như không bị đánh thuế.

Vụ bê bối trên có sự xuất hiện những cái tên lớn như Amazon, Apple, Ikea, Fiat và Pepsi.

“Luxembourg đã thương mại hóa chủ quyền của mình và về căn bản đã hợp tác với các đối tượng nộp thuế để giúp họ trốn thuế lẽ ra phải nộp cho các quốc gia khác”, giáo sư về thuế Ruth Mason thuộc Đại học Virginia phát biểu.

Sau khi bê bối vỡ lở, Luxembourg - một thành viên sáng lập của EU - bị giám sát chặt chẽ vì vi phạm quy định của khối về trợ cấp nhà nước. Đây là quy định cấm trao lợi thế bất bình đẳng cho các công ty thông qua thuế hay trợ cấp.

Làn sóng chỉ trích của dư luận quốc tế, cộng thêm một chỉ thị vào năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - một câu lạc bộ của các nền kinh tế phát triển - đặt ra sức ép buộc Luxembourg phải thay đổi.

Chính quyền kế nhiệm ông Juncker đưa ra kết luận rằng “mô hình kinh doanh này là vô nghĩa và nguy hiểm, và không thể được duy trì” - ông Pasca Saint-Amans, Giám đốc trung tâm giám sát chính sách thuế của OECD, cho hay.

“Kể từ đó, họ đã có những hành động cương quyết để thay đổi mô hình kinh doanh”, ông Saint-Amans nói, và cho biết thêm Luxembourg đã chủ động hợp tác với OECD trong việc tuân thủ các quy định về thuế.

Đắc cử Thủ tướng Luxembourg vào năm 2013, ông Xavier Bettel đã bổ nhiệm ông Pierre Gramegna vào cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cả hai đã cùng bắt tay vào việc chấm dứt những hoạt động giấu diếm trong ngành ngân hàng.

Tháng 1/2015, Luxembourg giới thiệu hệ thống tự động trao đổi thông tin thuế với các quốc gia châu Âu khác. Bước tiến này ngay lập tức dẫn tới việc OECD rút Luxembourg ra khỏi danh sách đen những quốc gia và vùng lãnh thổ không tuân thủ các quy định về chống trốn thuế. Đợt rà soát gần đây nhất của OECD về độ minh bạch của cơ quan thuế và hoạt động về thuế Luxembourg kết luận rằng công quôc này “nhìn chung tuân thủ” đúng các quy định.

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số Thiên đường thuế (Tax Haven Index) của Tax Justice Networks - Nguồn: FT

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số Thiên đường thuế (Tax Haven Index) của Tax Justice Networks - Nguồn: FT

Một đạo luật vào năm 2019 của Luxembourg cũng quy định bắt buộc các công ty nước ngoài có hoạt động ở nước này - nếu được yêu cầu - phải cung cấp cho nhà chức trách sở tại những tài liệu về chuyển giá, một phương thức mà các công ty đa quốc gia thường sử dụng để trải rộng lợi nhuận nhằm giảm bớt số tiền thuế phải nộp.

Đạo luật này đưa Luxembourg tuân thủ chỉ thị về chống trốn thuế của EU - một khuôn khổ những quy định nhằm giảm khả năng của doanh nghiệp trong việc sử dụng những khác biệt về luật giữa các nước EU để nộp ít thuế đi.

Trong vụ bê bối LuxLeaks, Luxembourg còn bị chỉ trích vì sự dễ dãi dẫn tới những phán quyết phức tạp cho phép việc trốn thuế xảy ra trước kia.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm tuân thủ các quy định của OECD và EU, đạo luật ngân sách 2020 được Quốc hội Luxembourg thông qua đã hủy bỏ hiệu lực của tất cả các thỏa thuận thuế có trước năm 2015.

Giáo sư thuế Omri Marian thuộc Trường Luật, Đại học California, nhận xét rằng đạo luật trên một lần nữa cho thấy những bước tiến của Luxembourg trong việc chống trốn thuế.

Nhưng bà Liz Nelson, một thành viên của Tax Justice Network - một tổ chức hoạt động chống trốn thuế có trụ sở ở Anh - cho rằng còn quá sớm “để kết luận rằng Luxembourg đã tiến gần tới chỗ tuân thủ các quy định liên quan về chống trốn thuế”.

Là một quốc gia với vỏn vẹn 626.000 dân, Luxembourg có 4 nghìn tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 1/10 tổng lượng vốn FDI trên toàn cầu, tương đương lượng vốn FDI rót vào Mỹ và nhiều hơn cả lượng vốn FDI rót vào Trung Quốc - theo một báo cáo năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Justice Network cho rằng Luxembourg vẫn đang tiếp tục bị các công ty sử dụng để làm nơi cất giữ lợi nhuận, khiến các nước châu Âu mất hơn 12 tỷ USD tiền thuế mỗi năm chỉ riêng từ doanh nghiệp Mỹ. Vì lý do này, Justice Networks dành cho Luxembourg vị trí thứ 6 toàn cầu trong Chỉ số Thiên đường thuế (Tax Haven Index).

Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), năm 2019, Luxembourg là nơi các công ty đa quốc gia Mỹ cất 39,8 tỷ USD lợi nhuận, giảm 1,2 tỷ USD so với năm 2014.

“Nhìn vào dữ liệu này, có vẻ như không có một xu hướng giảm mạnh nào trong vai trò của Luxembourg là một ‘thiên đường thuế’ dành cho các công ty đa quốc gia Mỹ”, chuyên gia kinh tế Kimberly Clausing thuộc trường Reed College nhận định.

Nhưng một báo cáo năm 2020 của Tax Justice Network cho thấy Luxembourg không phải là quốc gia hay vùng lãnh thổ duy nhất có chế độ thuế “thân thiện” với doanh nghiệp. Các chuyên gia của IMF thì ước tính rằng hoạt động trốn thuế toàn cầu dẫn tới tổn thất 650 tỷ USD thu ngân sách mỗi năm.

MAI LYNH

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/the-gioi/no-luc-thoat-mac-thien-duong-thue-cua-luxembourg-3552280.html