Nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU

Sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản tự nhiên, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các biện pháp thể hiện nỗ lực và quyết tâm thực hiện cam kết chống hoạt động khai thác bất hợp pháp (IUU).

Bước tiến mới phù hợp luật pháp quốc tế

Mới nhất là việc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017, trong đó quy định việc giao quyền cấp hạn ngạch cho các địa phương; các quy định của IUU đã được lồng trong luật. Điểm mới của luật là vấn đề khai thác có sự chuyển hướng nhìn nhận từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn.

So với Luật Thủy sản năm 2003, luật sửa đổi là bước tiến mới phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nhiều quy định của Luật Thủy sản 2017 có thể áp dụng ngay, nhưng có một số nội dung thì phải chờ các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, cần hoàn chỉnh các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU.

Chính phủ cũng chỉ đạo 28 tỉnh, thành ven biển tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục các khuyến nghị của EU về IUU, tăng cường các biện pháp quản lý tàu cá khai thác không vi phạm về IUU; kịp thời ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước; tàu cá phải lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình. Bộ NN-PTNT thành lập Tổ công tác liên ngành về khai thác IUU, do Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, các hiệp hội.Việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản được chuyển sang ban quản lý cảng cá.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã có 73 nhà máy chế biến cam kết chỉ mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. VASEP còn đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản. Trước đó, có sự phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, VASEP cùng các ban ngành liên quan đã thực hiện chương trình hành động quốc gia tuân thủ các quy định về IUU, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.

Quản lý chặt nhưng không “tự trói”

Bên cạnh quản lý chặt tình trạng khai thác bất hợp pháp, một khâu quan trọng khác cũng được tập trung kiểm soát là việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản về chế biến. Theo VASEP, hàng năm các doanh nghiệp (DN) chế biến thiếu khoảng 30% - 40% nguyên liệu, phải nhập khẩu. Năm 2016 có 300 DN nhập khẩu 1,1 tỷ USD nguyên liệu thủy sản từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ là 2 tỷ USD. Vì vậy, cần quản lý chặt việc DN nhập khẩu đảm bảo các quy định của IUU, tức không nhập khẩu hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định hay khai thác bằng ngư cụ bị cấm… Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến việc EU xem xét thái độ của Việt Nam trong hợp tác về IUU. Việt Nam cần tham gia các tổ chức quản lý nghề cá để có thể tiếp cận nhiều thông tin, giúp cho việc quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề IUU.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, bên cạnh việc quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, cần bổ sung nội dung quản lý đối với hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển cảng (tạm nhập tái xuất). Bởi lẽ, khi EU nhận thấy có tàu bất hợp pháp vào cảng Việt Nam thì lập tức hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây, vì EU có dữ liệu đầy đủ về các tàu IUU. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng liên hệ với EU để nắm các thông tin này, từ đó có cơ sở kiểm soát chặt chẽ đầu vào, chặn các tàu IUU ngay tại cảng.

Tuy nhiên, cũng cần tránh tình trạng cơ quan quản lý quy định quá máy móc, gây khó cho DN. Để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, Cục Thú y đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Trong đó, có quy định không phù hợp với điều kiện thực tế, như đối với hồ sơ đăng ký kiểm dịch, DN phải có bản sao giấy chứng nhận nguồn gốc đánh bắt (C/C) do cơ quan thẩm quyền nước có tàu khai thác cấp. Điều này là không thể thực hiện được, do quy trình cấp C/C của các nước cũng qua nhiều khâu, phải mất ít nhất 1 tháng DN Việt Nam mới có thể nhận được C/C từ chủ hàng.

Theo VASEP, quy định này là “tự trói chân mình”, Luật Thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu, không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu. Quy định của EU cũng chỉ yêu cầu DN nộp C/C khi nhập hàng vào EU, không cần nộp vào thời điểm nhập khẩu hàng về Việt Nam để chế biến...

VASEP kiến nghị sửa đổi theo hướng không yêu cầu DN nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản; bổ sung quy định theo hướng phân luồng DN để làm căn cứ miễn kiểm tra, kiểm tra theo tần suất, không áp dụng kiểm tra 100% tất cả các lô hàng nhập khẩu như hiện nay.

Theo bà Miriam Garcia, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Kinh tế thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam, ngay trong thời gian bị “thẻ vàng”, bên cạnh những nỗ lực của DN và hiệp hội ngành nghề, thì có nơi lại cho cập cảng tàu nước ngoài khai thác hải sản vi phạm IUU. Đây là hành động bất lợi, khiến những nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn IUU bị tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Theo bà Miriam Garcia, bất cứ hàng hóa nào liên quan đến IUU đều phải có sự phối hợp giữa các bên trong nước và giữa các nước.

ĐĂNG LÃM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-luc-thao-go-the-vang-iuu-487592.html