Nỗ lực tháo gỡ rào cản trong việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19

Những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng hiện đã có phương pháp điều trị mới tại nhà mà không phải đến bệnh viện trong trường hợp nếu được bác sĩ tư vấn và uống thuốc kịp thời.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, các phòng khám đã bắt đầu thực hiện phương pháp vừa xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân trong một lần thăm khám, một sáng kiến do Tổng thống Joe Biden đưa ra. Mục đích của sáng kiến này là nhằm giúp bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer hoặc molnupiravir của Merck trong vòng 5 ngày đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Việc điều trị kịp thời bằng thuốc có thể ngăn ngừa người bệnh có nguy cơ chuyển nặng hoặc nhập viện.

Tuy nhiên, việc buộc uống thuốc đúng thời điểm đã nảy ra một số thách thức. Nhiều bệnh nhân không muốn xét nghiệm COVID-19 vì chủ quan nghĩ rằng mình chỉ bị cảm lạnh, trong khi một bộ phận bệnh nhân không muốn hoặc không thể uống các loại thuốc mới.

Tiến sĩ Bryan Jarabek, cố vấn về điều trị và tiêm chủng cho hệ thống y tế M Health Fairview, bang Minnesota, nhấn mạnh với vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị sẵn có, bác sĩ có thể dễ xử lý trường hợp mắc bệnh trong tương lai nếu người dân sẵn sàng chú ý để sức khỏe của mình.

Hồi năm 2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng hai loại thuốc điều trị trên đối với bệnh nhân COVID-19. Giới y tế Mỹ mô tả những thuốc này là bước tiến vượt bậc trong cuộc chiến chống lại COVID-19 một phần vì sự tiện lợi của chúng so với các phương pháp điều trị khác cần truyền hoặc tiêm. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bỏ lỡ thời gian “vàng” ngăn ngừa nguy cơ chuyển bệnh nặng nếu bỏ qua các triệu chứng như đau đầu hoặc sổ mũi và có tư tưởng chờ xem liệu những triệu chứng này có biến mất hay không trước khi tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ.

Tiến sĩ Thomas Lew thuộc Đại học Stanford cho biết ông đã chứng kiến nhiều người có nguy cơ cao và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đã chờ hơn 1 tuần để xem triệu chứng bệnh có thuyên giảm hay không. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhập viện phải thở oxy cho biết họ đã phớt lờ những triệu chứng đầu tiên của bệnh và cứ nghĩ rằng là do cảm lạnh hoặc dị ứng. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vậy, họ bị mắc COVID-19. Ông Lew lưu ý rằng nhiều người thường chần chừ đi khám tư vấn bác sĩ mỗi khi mắc bệnh, chứ không chỉ riêng COVID-19, và nhiều người không hiểu rõ thời gian “vàng” trong việc uống thuốc điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, ngay cả những người đã được xác nhận mắc COVID-19 nhờ xét nghiệm nhanh đôi khi cũng từ chối tiếp nhận thuốc. Ông Jarabek ước tính khoảng 30% đến 50% số bệnh nhân đủ điều kiện sử dụng thuốc kháng virus đã từ chối các phương pháp điều trị này trong hệ thống y tế của ông vào đầu năm nay. Theo ông, một số người còn không coi mình là đối tượng có nguy cơ cao hoặc nghĩ rằng bệnh của họ không đủ nặng để uống những loại thuốc điều trị. Nhiều bệnh nhân cũng quan ngại về tác dụng phụ của thuốc của thuốc hoặc sự tương tác của thuốc đối với những thuốc đang uống khác.

Tại Mỹ, một số nhà cung cấp bắt đầu dịch vụ giao hàng miễn phí thuốc Paxlovid hoặc molnupiravir. Thành phố New York còn thiết lập một đường dây nóng giúp bệnh nhân có thể gọi điện yêu cầu thuốc trong trường hợp họ mắc COVID-19. Tại Boston, hệ thống y tế đa khoa Brigham có triển khai dịch vụ tương tự, gửi thuốc cho bệnh nhân thông qua hãng chuyển phát nhanh FedEx.

Một mô hình khác mà các cửa chuỗi cửa hàng thuốc đang triển khai, đó là xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong một lần khám. Đối với bệnh nhân có phương tiện di chuyển, chuỗi hiệu thuốc CVS Health bắt đầu chương trình “xét nghiệm và điều trị” tại gần 1.200 cửa hàng thuốc có gắn nhãn MinuteClinic. Không phải dược sĩ nào cũng có thể xét nghiệm và cấp thuốc điều trị, do vậy mô hình này không thể áp dụng tại tất cả các hiệu thuốc tại Mỹ.

Cơ quan y tế hạt Cook tại Chicago, bang Illinois, Mỹ đã lập các trung tâm xét nghiệm COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát và giờ đây cơ quan này còn có kế hoạch bổ sung điều trị COVID-19 tại những điểm xét nghiệm này. Theo đó, bệnh nhân có thể đến xét nghiệm tại các điểm y tế, chờ 15 phút để lấy kết quả và sau đó tư vấn bác sĩ bằng hình thức trực tuyến.

Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/no-luc-thao-go-rao-can-trong-viec-su-dung-thuoc-dieu-tri-covid19-20220324225350150.htm