Nỗ lực thành lập doanh nghiệp mới

Tại đề án phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 20.000 DN hoạt động hiệu quả. Với lộ trình và giải pháp cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tăng nhanh về số lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Bánh ngọt Nam Hương (TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh thành lập được 1.827 DN mới, đạt 60,9% kế hoạch năm 2020. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động mọi mặt lên nền kinh tế và các hoạt động đầu tư phát triển. Với dự báo hoàn thành kế hoạch phát triển DN trong năm nay, đây sẽ là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu thành lập 3.000 DN mới mỗi năm. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tỉnh Thanh Hóa đã nhiều năm liên tiếp duy trì vị trí thứ 7 cả nước về thành lập DN mới.

Là địa phương có nền kinh tế năng động nhất trong tỉnh, từ năm 2017 đến nay, TP Thanh Hóa luôn duy trì hoàn thành mục tiêu thành lập từ 1.000-1.200 DN mới, chiếm tới 1/3 tổng số DN được thành lập hàng năm trên địa bàn tỉnh. Không thể phủ nhận lợi thế của TP Thanh Hóa với dư địa phát triển DN khá lớn; tuy nhiên, để đạt được kết quả này là cả sự nỗ lực, sát sao trong triển khai nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền. Theo đó, cùng với việc quan tâm, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường thực hiện hiệu quả phương châm “3 đồng hành” gồm: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực thuế, đất đai, tín dụng; đồng hành thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế địa phương và “5 hỗ trợ”, gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DN.

Đại diện lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa cho biết: Địa phương đang nỗ lực các giải pháp để hoàn thành mục tiêu thành lập mới 1.395 DN mới trong năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển DN mới chỉ thực sự có ý nghĩa khi DN tồn tại và phát triển, phát sinh doanh thu, thuế, làm giàu cho bản thân DN và tạo việc làm cho người lao động. Với phương châm đó, TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện tốt một số chính sách của Chính phủ, của tỉnh Thanh Hóa trong hỗ trợ phát triển DN. Trước tiên, sẽ tập trung lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của DN; đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; khuyến khích DN tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DN; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thương mại hóa các đề tài, đề án, phát minh, sáng kiến, hỗ trợ kết nối DN trong chuỗi sản phẩm...

Tại huyện Thọ Xuân, đây là địa phương cấp huyện luôn hoàn thành cao kế hoạch và về đích trước mục tiêu phát triển DN hàng năm. Được biết, ngoài các giải pháp triển khai chung như tuyên truyền, vận động, rà soát hộ cá thể phát triển DN, huyện Thọ Xuân còn phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... để phát hiện các nhân tố, nuôi dưỡng thành lập DN. Điển hình như Công ty TNHH Tâm Đang, xã Quảng Phú của giám đốc trẻ Đỗ Văn Tâm. Khởi nghiệp từ năm 2015 với công việc sản xuất một số vật liệu đúc sẵn bằng bê tông, rồi mày mò, nghiên cứu sản xuất một số vật liệu xây dựng, đồ trang trí bằng chất liệu composite, mô hình khởi nghiệp của anh Tâm ngày càng mở rộng, thị trường tiêu thụ ổn định và có tiềm năng phát triển tốt. Với sự vận động của Huyện đoàn Thọ Xuân, năm 2018, anh Tâm đã quyết tâm thành lập DN, tạo cơ sở pháp lý cho DN tham gia cung ứng các hợp đồng với các đối tác lớn hơn. Hiện nay, sản phẩm của công ty sản xuất được cung ứng tới hàng trăm đại lý trên toàn quốc, với doanh thu trung bình từ 2-3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 8-10 lao động.

Đồng chí Hà Đình Cường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Đến hết tháng 9 năm nay, trên địa bàn đã thành lập mới được 135 DN, đạt 75% kế hoạch. Trong đó, 4 xã đã vượt chỉ tiêu huyện giao, như: Thọ Hải, Bắc Lương, Quảng Phú, Thọ Lộc; 8 xã đã hoàn thành chỉ tiêu huyện giao, như: Xuân Trường, Xuân Bái, Thọ Lập, Xuân Giang, Xuân Phong, Xuân Tín, Thọ Lâm, Trường Xuân. Địa phương đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ huyện tới cơ sở để hoàn thành mục tiêu thành lập 150 DN mới trong năm nay.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phát triển DN mới trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, như: Quy mô các DN thành lập mới còn nhỏ, tỷ lệ DN mới phát triển bền vững còn thấp, việc thành lập DN chưa cân đối về lĩnh vực ngành nghề, vùng, địa phương. Một số địa phương có tình trạng phát triển DN mới theo phong trào, thành tích, dẫn đến nhiều hộ cá thể thành lập DN trong tình trạng “chín ép” cho đủ số lượng, trong khi chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, như: Năng lực tài chính, kỹ năng quản trị, điều hành để vận hành DN hoạt động hiệu quả.

Tại đề án phát triển DN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, bên cạnh mục tiêu phát triển DN về số lượng thì chất lượng hoạt động của DN được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, đối với việc thành lập các DN mới, đề án cũng định hình rõ, ưu tiên phát triển các DN với những ngành, nghề đang thực sự cần thiết, như: Các DN thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất, chế biến; DN sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các DN khoa học công nghệ và DN ở khu vực miền núi. Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, sẽ ưu tiên phát triển DN theo hướng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; quan tâm các DN sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, như: Sản phẩm sau lọc hóa dầu, ô tô, plastic, cơ khí, thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử, tin học,...; chú trọng phát triển, mở rộng quy mô, nâng công suất các DN truyền thống, đang có lợi thế cạnh tranh và thị trường...

Ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Để phát triển DN đạt kết quả cao và bền vững, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN tiếp cận được các nguồn lực về đất đai, tài chính, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi về các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi DN, cần sự vào cuộc, cải thiện đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng để DN hoạt động có hiệu quả.

Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/no-luc-thanh-lap-doanh-nghiep-moi/126054.htm