Nỗ lực tạo tiền đề để đất nước bước vào 'kỷ nguyên vươn mình'

Để làm tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu phần trả lời chất vấn của mình chiều 12-11 bằng việc gửi lời trân trọng cảm ơn Quốc hội vì đã cơ bản đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội (KTXH) của Chính phủ. Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri đã đồng hành với Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.

“Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo, điều hành” - Thủ tướng nói và bước vào phần giải trình, báo cáo một số vấn đề được Quốc hội và cử tri quan tâm.

“5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”

Sau khi trình bày những con số biết nói về KTXH, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ “tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2024...

Những điều này, theo Thủ tướng, là để tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng theo định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thủ tướng khẳng định giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng vẫn còn chậm. Số liệu cụ thể được Thủ tướng công khai trước Quốc hội. Về nguyên nhân, theo Thủ tướng là gồm cả thể chế đến đền bù giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu, quá trình chuẩn bị dự án chưa tốt cho đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội trước khi bước vào phiên chất vấn của mình. Ảnh: HTQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội trước khi bước vào phiên chất vấn của mình. Ảnh: HTQ

“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch” - Thủ tướng cho biết.

Trong sáu nhóm giải pháp chủ yếu Thủ tướng nêu, đáng chú ý có việc Chính phủ đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong Kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…

“Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”

Thủ tướng khẳng định Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, từ sử dụng, quản lý thu chi ngân sách đến quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; từ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cho đến thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế; từ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đến triển khai chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, những hạn chế trong công tác này là do tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Quá trình sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà.

“Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…” - Thủ tướng nêu rõ.

Nguyên nhân, theo Thủ tướng, có từ quy định pháp lý, sự quyết liệt kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, sự phối hợp giữa các cơ quan và nhận thức, văn hóa về tiết kiệm, chống lãng phí…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn chiều 12-11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn chiều 12-11.

Thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên. Cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản, xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.

“Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng trình bày, giải trình một số ý kiến các đại biểu Quốc hội đã đề cập về chuyển đổi số và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Khởi động lại điện hạt nhân

Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.

Đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII , đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối…

Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII…

Dự báo nhu cầu điện thời gian tới tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Do vậy, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.

Chính phủ cũng sẽ tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển KTXH nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền khởi động lại dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Cạnh đó, đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý cho ngành điện.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/no-luc-tao-tien-de-de-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-post819483.html