Nỗ lực tạo sân chơi cho trẻ em

Thời gian qua, với sự nỗ lực của cộng đồng, tại Hà Nội, hàng trăm sân chơi cho trẻ em được xây mới, cải tạo. Tuy nhiên, sau khi cải tạo, chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương cần có biện pháp duy trì để tránh tình trạng bị 'tái chiếm'.

Buổi chiều hè, giữa khu dân cư đông đúc của phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), vườn hoa trên địa bàn tổ 18, 19, ngay sát Trường tiểu học Nghĩa Đô trở thành một không gian lý tưởng để những người già thong dong tập thể dục, những em nhỏ nô đùa… Ai cũng muốn tận dụng không gian xanh hiếm hoi trong lòng đô thị. Vườn hoa xinh xinh có diện tích hơn 1.300 m2 ấy mới được hình thành vài năm nay. Khu vực này trước đây là đất nông nghiệp. Tranh thủ cơ chế quản lý lỏng lẻo, một số cá nhân cùng cán bộ đã biến đất nông nghiệp thành đất ở sai quy định. Các cán bộ của phường lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phan Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Thành Dưng đã nhiều năm ròng rã đấu tranh để làm rõ những sai phạm. Năm 2016, khi khu đất được thu hồi, các cán bộ sai phạm bị xử lý, UBND quận Cầu Giấy quyết định đầu tư thành một vườn hoa. Gần đây, vườn hoa được trang bị thêm các dụng cụ tập thể thao. Ông Phan Văn Độ, bây giờ vẫn là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghĩa Đô, cho biết: “Địa bàn quận Cầu Giấy đất chật, người đông, bố trí được quỹ đất để làm chỗ vui chơi cho trẻ rất khó. Nhưng cách làm của UBND quận đã giúp cho người dân cũng như trẻ em có thêm khu vui chơi, được dư luận ủng hộ”.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, thành phố hiện mới có hơn 200 vườn hoa, sân chơi công cộng. Con số này quá ít so với 1,8 triệu trẻ em của thành phố. Những bất cập bộc lộ rõ hơn khi hè về, các em nhỏ không còn đến trường, nhu cầu vui chơi, giải trí tăng lên. Thiếu chỗ vui chơi khiến nhiều gia đình buộc phải để con cái gắn với ti-vi, máy tính, hay điện thoại thông minh. Không ít tai nạn xảy ra, trong đó có tai nạn đuối nước cũng vì thiếu sân chơi. Nếu ở vùng ngoại thành, khó khăn đến từ thiếu kinh phí, thì ở khu vực nội thành lại gặp vướng mắc trong khai thác quỹ đất. Tại những khu tập thể cũ như: Giảng Võ, Trung Tự, Kim Liên, Nam Đồng, Thanh Xuân…, khi xây dựng đều bố trí sân chơi giữa các tòa nhà. Đáng tiếc, phần lớn chúng đã bị lấn chiếm để làm chỗ gửi xe, bán hàng, nơi rửa xe… Sân chơi của trẻ em nơi thì biến mất, nơi thì bị thu hẹp.

Những năm gần đây, các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã có nhiều nỗ lực để tạo thêm sân chơi cho trẻ em. Cách thu hồi đất sai phạm để xây dựng thành sân chơi tại phường Nghĩa Đô là một điển hình. Kết hợp giữa đầu tư Nhà nước và xã hội hóa, quận Cầu Giấy hiện tại đã có 80 sân chơi công cộng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của trẻ.

Quận Đống Đa, mặc dù rất khó khăn về quỹ đất, nhưng những năm gần đây, mỗi năm đã đầu tư, cải tạo khoảng 20 sân chơi. Riêng phường Kim Liên đã cải tạo được 15 sân. Quận Hà Đông hiện rà soát đất xen kẹt để xây dựng sân chơi. Dự kiến, quận Hà Đông sẽ đầu tư gần ba tỷ đồng để lắp đặt dụng cụ thể thao cho sân chơi trên toàn bộ 16 phường. Ở các quận nội thành (trước đây), do gần như không thể tìm được quỹ đất cho nên nhiều địa phương đã tìm cách “đòi” lại sân chơi trong khu tập thể, kết hợp với các tổ chức xã hội để cải tạo, nâng cấp, tạo thêm các dụng cụ vui chơi. Mới đây, đúng vào dịp 1-6, sân chơi tại nhà K7-K8 tập thể Thành Công (quận Ba Đình) đã được khánh thành. Chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân vi phạm trả lại mặt bằng, tiếp đó, kết hợp với doanh nghiệp xã hội Think Playground (Nghĩ về sân chơi thành phố) để lắp đặt các dụng cụ trò chơi như: xích đu, cầu trượt, bập bênh, thú nhún… bằng các vật liệu tái chế. Mọi người đều rất vui khi có một không gian xinh xắn cho các em.

Thành đoàn Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng là những tổ chức có nhiều hoạt động tạo sân chơi cho trẻ em. Từ năm 2012, Thành đoàn Hà Nội đã phát động và triển khai đề án “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành”. Đến nay, Thành đoàn đã xây dựng được 159 sân chơi. Nhờ đó, trẻ em các huyện kinh tế còn khó khăn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức… có thêm những sân chơi với nhiều dụng cụ, trò chơi vận động mang ý nghĩa thiết thực. Mỗi năm, Thành đoàn dự kiến xây dựng từ khoảng năm đến bảy sân chơi. Chị em phụ nữ các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng… vận động, trang bị được các loại dụng cụ vui chơi cho hàng chục sân chơi lớn nhỏ. Những nỗ lực của cả cộng đồng đã phần nào khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh việc thành phố cần tiếp tục đầu tư, cải tạo công viên, vườn hoa, sân chơi, thì tại những khu vực đã giành lại sân chơi, nhất là sân chơi tại khu tập thể, chính quyền, các ban, ngành tại địa phương cần có biện pháp để duy trì. Bởi một số sân chơi tại khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… đã xảy ra hiện tượng “tái chiếm” sân chơi của trẻ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40567302-no-luc-tao-san-choi-cho-tre-em.html