Nỗ lực tạo 'lá chắn'

Trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động và diễn biến phức tạp với những thách thức to lớn, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tự chủ về an ninh, quốc phòng để bảo vệ chính mình, tránh quá phụ thuộc vào 'chiếc ô an ninh' của Mỹ.

Theo RT, mới đây, trong một phiên họp tại Brussels (Bỉ), Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu đã phê duyệt 13 chương trình mới trong khuôn khổ của Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về an ninh và quốc phòng (PESCO). Các dự án quốc phòng mới này được xây dựng nhằm cải thiện sự phối hợp hoạt động và tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của các nước thành viên EU trên biển, trên không và ngoài vũ trụ. Đáng chú ý, trong số các dự án quốc phòng mới có dự án mang tên TWISTER, được thiết kế giúp các quốc gia châu Âu phát hiện và giám sát nhanh chóng các mối đe dọa, cũng như chống lại chúng một cách hiệu quả.

PESCO được 23 quốc gia thành viên EU đặt bút ký vào ngày 13-11-2017. Tính đến nay đã có 25 quốc gia thành viên EU tham gia thỏa thuận này. 3 quốc gia đứng ngoài thỏa thuận là Đan Mạch, Malta và Anh. Các nước tham gia cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu, phát triển công nghệ. EU hy vọng PESCO sẽ giúp chấm dứt tình trạng phung phí hàng tỷ euro do các chính sách quốc phòng riêng biệt của các nước thành viên. Ngoài PESCO, các bộ trưởng quốc phòng EU đã thống nhất là lập Quỹ quốc phòng châu Âu hồi năm 2017 nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối.

 Giới chức EU tại Lễ ký kết PESCO năm 2017. Ảnh: EPA.

Giới chức EU tại Lễ ký kết PESCO năm 2017. Ảnh: EPA.

Những bước đi của EU cho thấy liên minh này đang nỗ lực nâng cao khả năng tự chủ về an ninh, quốc phòng. Dù cùng là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng các quốc gia châu Âu hiểu rõ rằng không nên quá phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Ông Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh châu Âu phải tăng ngân sách đóng góp cho NATO, nếu không Washington sẽ không chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh. Khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ không êm ả, Pháp-quốc gia "đầu tàu" của EU cho rằng liên minh này nên tự bảo đảm cho vận mệnh của mình. "Chúng ta nên có một châu Âu tự bảo vệ mình, chứ không nên hoàn toàn dựa vào Mỹ”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Economist, người đứng đầu nước Pháp cũng khẳng định rằng giành quyền tự chủ trong an ninh là ưu tiên hàng đầu của châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp cũng là người ủng hộ tích cực nhất cho ý tưởng thành lập một quân đội chung châu Âu. Theo các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU, việc xây dựng một quân đội chung châu Âu là cần thiết để EU có thể tự giải quyết các thách thức quốc phòng và an ninh chung của liên minh này trong tương lai, giảm bớt sự phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” NATO hiện do Mỹ cầm trịch.

Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8-12-1987, có hiệu lực từ ngày 1-6-1988, cũng khiến các quốc gia châu Âu không khỏi lo lắng về vấn đề an ninh của mình. Giới phân tích cho rằng, sau sự tan vỡ của INF vốn được xem như một trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu, “lục địa già” đang phải đương đầu với các mối đe dọa ngày càng lớn và phức tạp, đặc biệt là mối đe dọa tên lửa. Dù không phải là bên tham gia ký kết INF nhưng EU liên quan trực tiếp và có lợi ích sát sườn trong hơn 3 thập kỷ từ thỏa thuận này. Các bên tham gia INF đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Trước thời điểm INF tan vỡ, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron lưu ý rằng an ninh của châu Âu sẽ là nạn nhân đầu tiên của việc Mỹ quyết định rút khỏi INF.

Trước đây, EU đã nhiều lần đề cập tới việc xây dựng một nền quốc phòng chung, song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh-một thành viên của khối do London không muốn châu Âu có một quân đội riêng. Giờ đây, “rào cản” đó phần nào được dỡ bỏ khi năm 2016, người dân Anh đã quyết định bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU. Những "thuận lợi" từ việc Anh quyết định chia tay châu Âu, cùng với những thách thức trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ cũng như các mối đe dọa thời kỳ hậu INF, tất cả những điều đó đang thúc đẩy EU tăng cường khả năng phòng thủ, hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng, qua đó xây dựng một liên minh mạnh mẽ.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/no-luc-tao-la-chan-602502