Nỗ lực tạo bứt phá trong tăng năng suất lao động

Ngày 7-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị 'Cải thiện năng suất lao động quốc gia'. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành, các tổ chức quốc tế...

Cần thiết thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trình bày báo cáo cho biết, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động (NSLĐ) xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo giá hiện hành), cao gần gấp đôi so với năm 2011.

Như vậy, NSLĐ của Việt Nam đã tăng bình quân 4,88%/năm trong giai đoạn 2011-2018 và riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN (cùng kỳ, Singapore tăng 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Philippines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, NSLĐ nước ta chỉ bằng 7,3% NSLĐ của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu quốc tế tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu quốc tế tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, bài toán tăng nhanh NSLĐ được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Do vậy, cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia nhằm xây dựng bộ máy, cơ quan chuyên sâu về NSLĐ; thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để NSLĐ của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Đặc biệt hướng tới khu vực doanh nghiệp, bộ trưởng nhận định, nâng cao NSLĐ khu vực này có ý nghĩa quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, cần chủ động áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đề nghị phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế số. Về phía Nhà nước, cần ưu tiên thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây, đẩy nhanh quá trình số hóa trong kết nối nội bộ nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và với người dân, xây dựng thành công chính phủ điện tử.

GS-TS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, đề cao vai trò của yếu tố chất lượng nhân lực. Ông đề xuất Chính phủ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và thi hành các chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

“Về phương diện đào tạo, cần bổ sung các kỹ năng làm việc vào chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đào tạo liên thông là một hướng đi phù hợp, theo đó, học sinh được học một phần hoặc thậm chí toàn bộ chương trình cao đẳng kinh doanh như một phần của chương trình trung học phổ thông”, GS-TS Raymond Gordon khuyến nghị.

Thể chế khích lệ đổi mới sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đang nhanh nhất khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước. Tuy vậy, chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp.

Cùng đó còn có những điểm nghẽn về thể chế kinh tế như: chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động… Đặc biệt là nền tảng và năng lực khoa học chưa cao, động cơ sáng tạo và đổi mới còn thiếu và yếu. “Đổi mới sáng tạo phải là một trong các nút thắt cần được tháo gỡ”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 định hướng lớn để tăng NSLĐ trong thời gian tới. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản trị nền kinh tế.

Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang phức tạp, từ khu vực có giá trị gia tăng thấp lên cao; cải cách khu vực tài chính ngân hàng, để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường; tiếp tục cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khơi thông các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ khu vực tư nhân, hợp tác xã trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp; ưu tiên các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy năng suất lao động trong nước và tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng các dòng chảy thương mại để cải thiện NSLĐ.

Đáng lưu ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo nguyên tắc: mọi người dân đều có thể tham gia thị trường lao động, có được việc làm, phát huy được thế mạnh của mình.

“Những người quản trị quốc gia phải là người giỏi”, Thủ tướng nói và khẳng định ý nghĩa của một cơ chế đủ mạnh để thu hút những người tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tập hợp các ý kiến, nghiên cứu để đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản có tính pháp lý cao để triển khai thực hiện thống nhất ở các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói. Dịp này, Chính phủ phát động phong trào cải thiện NSLĐ quốc gia.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/no-luc-tao-but-pha-trong-tang-nang-suat-lao-dong-70964.html