Nỗ lực phục hồi nền kinh tế của đất nước 'Cầu vồng'

Sau một thời gian rơi vào suy thoái, nền kinh tế Nam Phi bắt đầu nhận những tín hiệu khả quan. Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá, kinh tế Nam Phi sẽ chứng kiến tăng trưởng khả quan ở mức 3% trong năm 2018 nhờ áp dụng lãi suất thấp và sự hồi phục giá trị của đồng nội tệ Rand. Đất nước 'Cầu vồng' đang nỗ lực xúc tiến hợp tác với các nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Hội nghị cấp cao BRICS diễn ra tại Nam Phi.

Tân Tổng thống X.Ra-ma-phô-xa, một doanh nhân nổi tiếng và hiện là một trong những tỷ phú giàu nhất Nam Phi, được giới quan sát đánh giá là có tư duy quản lý kinh tế thông thoáng và cởi mở, đã tiến hành chuyến công du nước ngoài tới Ni-giê-ri-a, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) với những thành công về thúc đẩy quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế giữa các nước này với Nam Phi. Với mục tiêu thu hút 100 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm giải quyết nạn thất nghiệp cao và vực dậy nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu châu Phi này, chuyến thăm hai nước A-rập Xê-út và UAE giúp tân Tổng thống Nam Phi có thể hiện thực hóa cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Nam Phi trong thời gian tới và nhiều khoản đầu tư dài hạn từ UAE. Khoản đầu tư của UAE tập trung vào những ngành kinh tế then chốt của Nam Phi như du lịch, khai khoáng. Hai nước cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư và hợp tác văn hóa... A-rập Xê-út cũng dự kiến đầu tư 10 tỷ USD vào phát triển lĩnh vực năng lượng và sản xuất điện tại Nam Phi, nhằm giúp quốc gia nằm ở cực nam châu Phi vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong gần 10 năm qua.

Là thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nam Phi cũng tăng cường hợp tác với các nước trong khối. Nước này đã để ngỏ khả năng ký các thỏa thuận phát triển điện hạt nhân với Nga trong tương lai. Năm 2014, Nga và Nam Phi đã ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân có trị giá 50 tỷ USD. Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 14,7 tỷ USD vào Nam Phi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nam Phi mới đây đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư và hợp tác với Nam Phi trong nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có các biện pháp tích cực để tăng nhập khẩu từ Nam Phi nhằm hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất châu Phi. Công ty điện lực quốc gia Eskom của Nam Phi đang gặp khó khăn sau một năm làm ăn thất bát, đã nhận được khoản vay 2,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Trong khi đó, công ty hậu cần Transnet của Nam Phi cũng được bơm vốn, cùng với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế Nam Phi. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nam Phi đạt 39,2 tỷ USD, gấp 25 lần so 20 năm trước. Trung Quốc đang đầu tư khoảng 25 tỷ USD vào Nam Phi và tạo ra hơn nửa triệu việc làm tại đây.

Từng được coi là nền kinh tế đầu tàu của châu Phi, kinh tế Nam Phi đã xuống dốc trầm trọng trong gần 10 năm dưới sự điều hành của Tổng thống G.Du-ma, người đã từ chức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi trong quý I-2018 rơi xuống mức 1,9%, giảm tới 2,2% so cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt mức tăng trưởng 3,1% trong quý IV-2017, chủ yếu do hoạt động trì trệ của các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng và chế tạo. Có những thời điểm nền kinh tế nước này bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp. Tháng 11-2017, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đã đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của Nam Phi xuống mức rủi ro. Nguyên nhân S&P đưa ra quyết định này là do tăng trưởng GDP của Nam Phi yếu dẫn đến tài chính công suy giảm. Theo báo cáo của Bloomberg, Nam Phi hiện xếp cuối bảng trong khối 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính bao gồm tăng trưởng GDP, hoạt động tài khoản vãng lai, mức độ rủi ro tín dụng và giá trị của thị trường chứng khoán - trái phiếu.

Theo kế hoạch, Tổng thống Nam Phi Ra-ma-phô-xa cùng nhóm chuyên gia sẽ thực hiện các chuyến công du đến châu Âu, châu Á và toàn lục địa châu Phi để kêu gọi và thúc đẩy đầu tư, cũng như tìm cách tháo gỡ những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế đầu tàu châu Phi.

Thanh Vân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37279602-no-luc-phuc-hoi-nen-kinh-te-cua-dat-nuoc-%E2%80%9Ccau-vong%E2%80%9D.html