Nỗ lực phòng dịch và vệ sinh môi trường sau mưa lũ

Đợt ngập suốt 10 ngày vừa qua khiến nhiều giếng nước sinh hoạt của huyện Chương Mỹ bị ngập sâu trong nước, gây ô nhiễm nặng. Ngay sau khi nước dâng cao, ngành y tế đã kịp thời chỉ đạo các địa phương xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh trong và sau lũ.

Có trực tiếp lội trên dòng nước ngập ở những xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) mới có thể thấu hiểu được những nỗi vất vả mà bà con nơi đây đanh phải gánh chịu trong suốt 10 ngày vừa qua. Người dân nơi đây cho biết, theo quy luật, cứ 5 - 6 năm thì sẽ có đợt ngập, nên nhiều người dân không ngờ năm trước đã ngập, năm nay lại ngập nặng như vậy.

Đối với các hộ dân ở xã Nam Phương Tiến, để duy trì cuộc sống hàng ngày, nhiều hộ gia đình phải lội nước hoặc bơi thuyền rất xa mới xin được nước từ những hộ ở chỗ cao và phải dùng rất tiết kiệm số nước mưa hứng được từ đợt mưa vừa qua. Sinh sống trong môi trường nước ô nhiễm cũng đã khiến nhiều người dân ở đây bắt đầu có dấu hiệu mắc các bệnh về mắt, chân, tay,...

Người dân phải chuyển vật nuôi lên những nơi cao, tránh nước ngập (Ảnh: P.Ngân)

Anh Nguyễn Tuệ Minh (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho biết: “Mấy ngày qua nước ngập quá sâu, gia đình tôi phải di chuyển ra nhà họ hàng để ở nhờ. Hy vọng vài hôm tới nước rút thêm, chúng tôi có thể về được nhà. Hiện chúng tôi lo ngại nhất là vệ sinh môi trường, nước bẩn, dịch bệnh. Ngày nào cũng phải lội nước nên rất ngứa”.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau ngập lụt, các ổ dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn,...

Do đó, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác. Cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Trong những ngày này, nước sạch là niềm mong mỏi lớn nhất đối với người dân ở vùng ngập (Ảnh: P.Ngân)

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô về công tác đáp ứng y tế tại các vùng bị ngập lụt trên địa bàn huyện Chương Mỹ sau mưa lũ, ông Dương Viết Tài (Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ) cho hay: Tính đến chiều ngày 31/7, trung tâm đã cấp phát thuốc, hóa chất cho các xã, thị trấn bị ngập úng, với 4.688 túi thuốc (trong đó thuốc tra mắt cloramphenicol 0,4% gồm 15.200 lọ, thuốc ngoài da Tomax 6g và Korcin 8g mỗi loại gồm 4.400 tuýp cùng với 5.740 túi Cloramin B 25% và 2.740 túi phèn chua.

Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường được triển khai thực hiện trong ngày ở các vùng ngập, tính đến ngày 31/7, đã có 347 số hộ được tổng vệ sinh môi trường, hầu hết cán bộ y tế trạm, cán bộ y tế thôn, cán bộ trung tâm tăng cường đều được huy động tham gia. Đồng thời, trung tâm đã cử tổ cấp cứu cơ động thường trực tại đê Tả Bùi.

“Trong thời gian tới, Trung tâm y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế các xã, thị trấn bị ngập úng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân sau mưa lũ, giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn và xử lý nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại đơn vị và tiếp tục cung ứng thuốc, hóa chất bảo đảm kịp thời cho nhân dân trên địa bàn huyện”, ông Tài cho biết.

Hoa Nguyễn - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-phong-dich-va-ve-sinh-moi-truong-sau-mua-lu-77713.html