Nỗ lực phòng, chống bệnh tay chân miệng

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 29-10, ở TP Cần Thơ, số ca mắc tay chân miệng (TCM), số ổ dịch và ca bệnh nặng đều tăng so với cùng kỳ 2017. Ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống với quyết tâm giảm tỷ lệ mắc, không để xảy ra tử vong do bệnh TCM trong những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019.

Trên 96% ca bệnh dưới 2 tuổi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), tính từ đầu năm 2018 đến ngày 29-10, toàn thành phố có 854 ca TCM, tăng 49 ca so với cùng kỳ 2017. Số ca bệnh TCM tăng nhanh từ tháng 8 đến nay. Ngành y tế cũng ghi nhận có 65 ổ dịch, tăng 49 ổ dịch. Số ca bệnh nặng (độ IIb, III) là 15 ca, tăng 12 so với cùng kỳ 2017. Đáng lưu ý số trẻ bị bệnh TCM đa số là trẻ từ 1 - 2 tuổi, với 822 ca, chiếm trên 96%. Chưa ghi nhận trẻ bị TCM sau 6 tuổi.

Rửa tay thường xuyên là giải pháp hiệu quả phòng bệnh tay chân miệng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa, trước đây, trẻ bị TCM thường tập trung ở nhóm dưới 5 tuổi. Độ tuổi này phần lớn các cháu đang học nhà trẻ, mẫu giáo. Ngành y tế đã tích cực phối hợp ngành giáo dục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh TCM trong nhà trường như tập huấn cho giáo viên, cấp cloramin B cho các trường, kiểm tra công tác phòng, chống TCM trong trường học... Nhờ vậy, tình hình TCM ổn, số ca mắc giảm dần. Nhưng thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2018 đến nay, số trẻ bị TCM đa số tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, tức là phần lớn các cháu chưa đi học, còn ở nhà.

Trước tình hình trên, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế quận, huyện, trạm y tế xác định khu vực có ca bệnh, từ đó phối hợp hội phụ nữ cùng cấp để mời các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi đến để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống. Ngành y tế đã xử lý 100% ổ dịch TCM và phun hóa chất bán kính 200m. Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (hiện nay là CDC Cần Thơ) cũng trực tiếp kiểm tra thực địa công tác phòng, chống bệnh TCM ở các quận, huyện, xã, phường, thị trấn có số mắc cao để hỗ trợ địa phương.

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh

Ngành y tế vừa triển khai công tác phòng, chống bệnh TCM trong các tháng cuối năm 2018 và năm 2019 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, không để xảy ra tử vong và bùng phát dịch do bệnh TCM.

Các hoạt động gồm: tiếp tục phối hợp với các cơ sở điều trị giám sát số ca mắc bệnh đến khám và điều trị; lấy mẫu các trường hợp bệnh TCM có biến chứng thần kinh (độ IIb trở lên) để giám sát lưu hành của tuýp vi- rút gây bệnh; điều tra sớm và xử lý triệt để ổ dịch. Trung tâm y tế, Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện tiếp tục phối hợp Phòng Giáo dục giám sát tình hình bệnh tại các trường mầm non, mẫu giáo, từ đó phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời.

Ngành y tế cũng tập huấn công tác điều trị, dự phòng cho các tuyến, kể cả BV tư nhân; dự trù bổ sung cơ số thuốc, vật tư, hóa chất; củng cố Tổ cấp cứu ngoại viện để hỗ trợ và điều trị tại chỗ nơi xảy ra dịch, kịp thời hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Các BV nhắc nhở cán bộ y tế phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị như mang khẩu trang, rửa tay bằng chất sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân; khử khuẩn bề mặt giường bệnh, ghế ngồi của thân nhân, bệnh nhân, xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ theo quy định.

Ngoài ra, ngành y tế thành phố còn đẩy mạnh công tác truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, tờ rơi, băng rôn… Đồng thời, tập huấn cho trạm y tế, ban, ngành, giáo viên, tổ y tế ấp, cộng tác viên phòng, chống bệnh truyền nhiễm, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho người trực tiếp nuôi trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt dưới 3 tuổi)…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, có những biện pháp đơn giản, rẻ tiền để phòng, phát hiện sớm TCM. Theo đó, thầy, cô giáo hoặc người chăm sóc trẻ tại nhà phải theo dõi hàng ngày. Đặc biệt khi trẻ đến lớp, khi trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế kịp thời. Trẻ bệnh cách ly tại nhà ít nhất 10 ngày kể từ khi phát bệnh và chỉ đến lớp học khi đã hết loét miệng và các phỏng nước.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Vi-rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong đồ ăn, thức uống, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hằng ngày hay trên bàn tay của người chăm sóc trẻ. Vì thế, vi-rút có thể vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa và gây bệnh.

Phòng bệnh TCM theo cách: giữ bàn tay sạch, ăn sạch và ở sạch. Tức là thường xuyên rửa tay trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng; ăn chín, uống chín; làm sạch sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, các bề mặt mà trẻ hay tiếp xúc… bằng chất sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bệnh, xử lý phân của trẻ để tránh lây lan mầm bệnh.

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/no-luc-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-a103315.html