Nỗ lực phi thường giải cứu cá voi mắc cạn tập thể tại Australia

Trong một sứ mệnh không dễ dàng, ngày 25/9, đội cứu hộ gồm khoảng 100 người bảo vệ môi trường và các tình nguyện viên có kinh nghiệm đã giải cứu được 94 trong số 470 con cá voi bị mắc cạn tại vùng bờ biển lởm chởm đầy đá phía Tây bang Tasmania. Đây là vụ cá voi mắc cạn với số lượng lớn nhất trong lịch sử Australia.

Các nhà khoa học của chính phủ hôm 22/9 ước tính 90/270 con cá voi hoa tiêu mắc cạn ở vùng nước nông đã chết kể từ khi vụ việc được báo cáo một ngày trước đó.

Cơ quan Quản lý công viên và động vật hoang dã của bang Tasmania hạ thấp ước tính số cá voi chết từ 380 xuống còn 350 con. Các nhân viên cứu hộ vẫn hy vọng có thể cứu thêm 20 con cá voi nữa. Nhà sinh vật học biển Sở Môi trường bang Tasmania Kris Carlyon cho biết các nhân viên cứu hộ đã phải đương đầu với một vụ mắc cạn chưa từng có.

Lực lượng cứu hộ giải cứu cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển Tamasnia, Australia ngày 22/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Vấn đề đặt ra lúc này là phải xử lý nhanh các xác cá voi đã chết để giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường tại cảng Macquarie. Nhiều khả năng nhà chức trách sẽ kêu gọi mạng lưới các tình nguyện viên địa phương tham gia hỗ trợ và sẽ phải phong tỏa khu vực này.

Khoảng 40 nhà khoa học, 20 cảnh sát, cùng người nuôi cá và các tình nguyện viên địa phương đã tham gia vào chiến dịch giải cứu. Các chuyên gia cho rằng đây là chiến dịch khó khăn nhất mà họ từng tham gia.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu đầy đủ hành vi của cá voi, gồm cả điều gì làm chúng mắc kẹt hàng loạt trong vùng biển cạn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng do chúng là động vật có tính xã hội cao, khi một con cá voi hoa tiêu lạc đường và bị mắc cạn, các thành viên khác của đàn bơi tới giúp và bị mắc cạn theo.

Đội cứu hộ phải xoay chuyển nhiều cách khác nhau, có thể dùng sức đẩy chúng hay sử dụng bạt hoặc phao chuyên dụng. Các nhân viên cứu hộ phải đứng xung quanh, giữ cá voi thăng bằng để dễ dàng kéo nó lướt trên mặt nước.

Vụ cá voi mắc cạn lần gần nhất xảy ra khi một con cá voi lưng gù dạt vào một khúc sông có nhiều cá sấu hoành hành thuộc Công viên Quốc gia Kakadu ở miền Bắc Australia. Con cá voi này may mắn đã được đưa trở về đại dương sau 17 ngày mắc kẹt tại đây./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/no-luc-phi-thuong-giai-cuu-ca-voi-mac-can-tap-the-tai-australia-20200925190735407.htm