Nỗ lực phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong bối cảnh dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có giảm nhẹ so với năm 2020, nhưng con số này vẫn rất ấn tượng khi đã vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao.

Người dân xem tờ rơi tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại Bắc Giang. Ảnh: BHXH Bắc Giang

Người dân xem tờ rơi tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại Bắc Giang. Ảnh: BHXH Bắc Giang

Số người tham gia đạt 1,12 triệu người

Năm 2017 (trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH), số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là 224 nghìn người. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 đạt trên 277 ngàn người, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn phát triển được 1,128 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Con số này tăng 554 nghìn người, gấp hai lần so với năm 2019), đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người (giảm nhẹ so với hết năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng vẫn tăng 527 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020).

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với thực tiễn

BHXH Việt Nam cho biết, tháng 5/2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”. Việc tổ chức “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” nhằm tạo điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH; thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Theo đó, “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề “BHXH cho tất cả mọi người lao động”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.

Nhằm có những hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, ngoài việc tiếp tục tham gia đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển người tham gia.

Cụ thể, tăng cường sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Song song với đó là, xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Đồng thời, rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết đối với các nhóm tiềm năng (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập...) để tập trung tuyên truyền vận động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ đại lý thu; giao số chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng chú trọng việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân nhằm hướng đến tính bền vững của chính sách an sinh xã hội cho nhân dân.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5/2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia.

Ông Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.

Nhận định vai trò công tác truyền thông là tiên quyết, ông Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả./.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-05-13/no-luc-phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-trong-boi-canh-dich-benh-103940.aspx