Nỗ lực 'phá băng' trong quan hệ EU - Nga

Việc Paris duy trì đối thoại với Moscow được đánh giá là sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Pháp cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nhằm thoát khỏi thế bế tắc ngoại giao với Nga.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở tiệc tiếp đón người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại pháo đài Brégançon, nơi nghỉ Hè của nhà lãnh đạo Pháp, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố biển Biarritz. Thời điểm ông Macron chọn để đón tiếp Putin rất có ý nghĩa vì trên thực tế G7 đã trở thành G8, nhưng Nga đã bị loại khỏi nhóm vào năm 2017 sau khi sáp nhập đảo Crimea. Chính vì vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này được đánh giá là nỗ lực đối thoại đầy thiện chí nhằm hàn gắn quan hệ Nga – EU trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi chóng mặt hiện nay.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine nhận định cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng thống là một nỗ lực rất hữu ích nhằm đưa Pháp, và có thể cả EU, thoát khỏi sự bế tắc trong nhiều năm qua do cả hai bên đều đã mắc nhiều sai lầm chính sách, đặc biệt là từ nhiệm kỳ thứ ba của ông Putin. Ông Védrine nêu ra một sự phi lý chiến lược: Pháp có mối quan hệ với nước Nga ngày nay tồi tệ hơn mối quan hệ với Liên Xô trong suốt 3 thập kỷ tồn tại, và "điều đó không mang lại lợi ích cho chúng ta". Ông cho rằng cần bắt đầu một quá trình hợp tác mới, dù dự báo sẽ không có những thay đổi ngay lập tức sau cuộc gặp sắp tới.

Ông Védrine cho rằng trong 30 năm qua, phương Tây đã "kiêu ngạo" khi luôn áp đặt các giá trị của mình lên phần còn lại của thế giới. Cần nhắc lại những điều cơ bản trong quan hệ quốc tế: gặp gỡ không phải là chấp thuận; tranh luận không phải là hợp pháp hóa; duy trì quan hệ với một quốc gia không phải là trở thành bạn bè. Tất cả chỉ là vì lợi ích quốc gia. Trong hai nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Nga đã "chìa tay" với phương Tây, và phương Tây đã phạm sai lầm khi không thực sự đáp trả. Chính vì vậy, ông nhấn mạnh Pháp phải quan hệ với các nhà lãnh đạo của tất cả các cường quốc, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề an ninh ở châu Âu đang bị đe dọa, khi các thỏa thuận cắt giảm vũ khí được ký vào cuối Chiến tranh Lạnh lần lượt bị bỏ rơi và không được thay thế bởi bất cứ thỏa thuận nào khác.

Về mối quan hệ trong tương lai, Tổng thống Macron đã nhiều lần đưa ra mục tiêu cụ thể, là "hướng nước Nga quay sang châu Âu". Theo ông Védrine, để làm được điều đó, cần phải chỉnh sửa chính sách không thống nhất của phương Tây trong những năm gần đây, điều đã đẩy Nga sang phía Trung Quốc. Mối quan hệ song phương phải đáp ứng yêu cầu cao và thận trọng, song không có chỗ cho sự thù hằn và áp đặt. Cần phải thiết lập, hoặc tái lập một sự cân bằng quyền lực trong các lĩnh vực quân sự, hạt nhân, không gian và kỹ thuật số. Cách thức thực hiện là thảo luận, đàm phán và đưa ra đề xuất. Ông Védrine nhấn mạnh sự cấp bách về an ninh khi hai bên phải xây dựng lại, gần như bắt đầu từ con số 0 một chính sách kiểm soát vũ khí và giải giáp cân bằng. Ngoài ra, còn có nhiều lĩnh vực hợp tác khác, như cuộc chiến chống khủng bố hoặc phát triển nền kinh tế xanh, vấn đề chính của thế kỷ XXI. Ông Védrine nhận định rằng sự cố gắng của Tổng thống Macron có thể khởi động một quá trình mới, tạo ra hiệu ứng lan rộng sang các nước châu Âu khác. EU sẽ phải thiết lập lại mối quan hệ với Nga mà không chờ đợi Donald Trump, người mà nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ, sẽ khơi dậy một động lực giữa Mỹ và Nga mà không cần quan tâm đến lợi ích của châu Âu.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/no-luc-pha-bang-trong-quan-he-eu-nga-110117.html