Nỗ lực ổn định quan hệ lao động

Ghi nhận từ thực tế, tình hình quan hệ lao động trên cả nước những tháng đầu năm khá ổn định, ngay từ những ngày đầu của năm mới, người lao động chấp hành tốt quy định về giờ giấc làm việc, ra sức nỗ lực nhiều hơn trong lao động, sản xuất và công tác. Đóng góp vào tín hiệu đáng mừng trên, có sự nỗ lực tham gia của các cấp công đoàn toàn quốc, qua đó cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động.

Đánh giá về quan hệ lao động dịp trước và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Về cơ bản, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước tương đối ổn định, hài hòa, phát triển tích cực hơn so với những năm gần đây.

Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới, nhiều công nhân lao động đã bắt tay ngay vào việc với khí thế phấn khởi. Ảnh: L.N

Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới, nhiều công nhân lao động đã bắt tay ngay vào việc với khí thế phấn khởi. Ảnh: L.N

Lý giải nguyên nhân của tín hiệu đáng mừng trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: Từ quý III/2018, Tổng Liên đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị thông tin, quán triệt, tập huấn, hướng dẫn cho các cấp công đoàn về các kỹ năng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công.

Từ đó, nâng cao, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, tham gia phòng ngừa các cuộc ngừng việc tập thể, đình công, đặc biệt là các cuộc có yếu tố an ninh chính trị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hơn công tác chăm lo, đảm bảo quyền lợi người lao động; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động.

Tiếp tục bám sát, ổn định quan hệ lao động

Nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mới đây, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã gửi văn bản yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc yêu cầu cần chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động trên địa bàn thuộc đơn vị, địa phương quản lý, tham gia ổn định thị trường lao động và quan hệ lao động sau Tết.

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, trước và trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các cấp công đoàn Thành phố đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố trong việc tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho CNVCLĐ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc cao hơn năm 2018, đạt 99%.

Tuy nhiên, để ổn định thị trường lao động và quan hệ lao động sau tết Nguyên đán, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là dịp đầu năm 2019, thành phố Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị quốc tế quan trọng, LĐLĐ Thành phố yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở cần phối hợp với chính quyền tổ chức phát động thi đua trong CNVCLĐ, tạo khí thế tập trung, sôi nổi trong sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2019, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công nhân lao động nhận thức đúng đắn về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không bị các đối tượng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.

Các đơn vị cần phối hợp với UBND, Công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền đồng cấp giải quyết kịp thời vụ việc mới, các tranh chấp lao động, không để phát sinh điểm nóng, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ.

Bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thêm: Tại một số doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, doanh nghiệp cắt giảm nhiều lao động hoặc nợ lương người lao động... Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn bám sát, nắm tình hình CNVCLĐ và đề xuất kịp thời với Tổng LĐLĐ Việt Nam và chính quyền địa phương về giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể như tại Công ty TNHH Yestech Vina, tỉnh Bắc Ninh: Doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử, Giám đốc là người Hàn Quốc, có 275 người lao động chưa được trả lương tháng 8/2018, không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động rất bức xúc.

Nắm bắt được thông tin trên, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh có các giải pháp kịp thời nắm tình hình, chia sẻ, động viên người lao động, đồng thời có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phối hợp giải quyết tình hình, hỗ trợ chi trả tiền lương tháng 8/2018 cho người lao động.

Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã quyết định trích từ nguồn Quỹ Công đoàn hỗ trợ cho mỗi người lao động số tiền 500.000 đồng, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh cũng đã đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục tham gia tố tụng tại Tòa án.

Tương tự, cũng là doanh nghiệp có chủ là người Hàn Quốc từ tháng 4/2018, tại Công ty TNHH Aelim Vina, tỉnh Nam Định, quyền lợi của 132 người lao động đang bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh sớm có phương án giải quyết các quyền lợi cho người lao động.

Trước Tết UBND tỉnh Nam Định đã hỗ trợ 100 triệu đồng để tặng quà Tết cho người lao động. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban, ngành tiếp tục giải quyết quyền lợi của người lao động.

Ban Quan hệ Lao động cho biết: Tại một số doanh nghiệp cắt giảm nhiều lao động, như Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, tỉnh Trà Vinh - do khó khăn về kinh tế, Công ty đã quyết định cho hơn 10.000 người lao động nghỉ việc. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác làm việc với Công ty về các nội dung như: Đề nghị Công ty thực hiện trả đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; không được cắt giảm một số đối tượng đặc biệt; tuyển dụng lại những người này nếu Công ty khôi phục sản xuất... Các cấp công đoàn đã tham gia nắm tình hình, kiến nghị với tỉnh các phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Hay tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Ân, tỉnh Hà Nam: Tháng 10/2018 Công ty chưa trả lương cho 20 CNLĐ. Đây cũng là đơn vị chưa thành lập Công đoàn cơ sở, nên ngay khi nắm bắt được thông tin, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ thành phố Phủ Lý hướng dẫn công nhân lao động viết đơn đề nghị UBND thành phố Phủ Lý can thiệp để Công ty thanh toán tiền lương cho công nhân, đồng thời động viên người lao động ra về, không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện nay, chủ doanh nghiệp đã trở lại địa phương và hợp tác làm việc với chính quyền, các cơ quan chức năng và hứa sẽ trả hết lương cho công nhân lao động.

Tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội cũng diễn ra tại một số đơn vị thuộc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trước tình hình này, Chủ tịch Công đoàn PVC và các đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty PVC báo cáo lên cấp trên, đồng thời kiến nghị và đưa ra một số giải pháp thực hiện và đề nghị Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, hỗ trợ. Đến nay, các nội dung đề nghị đã cơ bản được xem xét và giải quyết.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-on-dinh-quan-he-lao-dong-87562.html