Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn

Tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tập trung ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống…

Tập trung ở vùng dân tộc thiểu số

Theo điều tra của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tình trạng tảo hôn vẫn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các huyện có nhiều ĐBDTTS sinh sống như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm… Tại huyện Khánh Sơn, theo báo cáo từ Khoa Dân số, Trung tâm Y tế huyện, năm 2018, toàn huyện có 20 trường hợp tảo hôn; năm 2019, con số này giảm xuống còn 8 trường hợp; năm 2020 còn 6 trường hợp. Tình trạng này chủ yếu ở đồng bào Raglai ở độ tuổi từ 15 đến 17. Trường hợp của em Tro Thị Mỹ Hạnh (ở thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc) là một ví dụ. 15 tuổi em đã làm mẹ. Lấy chồng sớm, Hạnh phải bỏ học giữa chừng. Do chưa đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc con nên sức khỏe cả mẹ lẫn con đều yếu, dẫn đến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

 Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn.

Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn.

Tại huyện Cam Lâm, năm 2019, toàn huyện có 10 trường hợp tảo hôn, đến năm 2020 đã tăng lên 14 trường hợp, tập trung chủ yếu ở thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây. Chị Đặng Thị Kim Trúc - chuyên trách dân số xã cho biết, Cam Phước Tây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Trong đó, thôn Văn Sơn có hơn 90% ĐBDTTS sinh sống. Năm 2020, thôn có đến 6 trường hợp tảo hôn và được xem là “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn của xã. Nguyên nhân của tình trạng trên là nhận thức, hiểu biết về chính sách DS-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình... của đa phần người dân nơi đây còn hạn chế. Mặt khác, đồng bào vẫn còn giữ tập tục lạc hậu, nhiều gia đình có con mới 14 - 15 tuổi đã cho nghỉ học đi lấy chồng, lấy vợ để thêm người làm…

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết, khó khăn nhất hiện nay của xã là việc thay đổi nhận thức của đồng bào. Hàng năm, địa phương thường xuyên phối hơp với cán bộ dân số đến từng nhà để tuyên truyền cho người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thế nhưng, có nhiều trường hợp khi cán bộ đến nơi thì người dân tìm cách trốn tránh. Ngoài ra, hiện nay, do sự phổ biến của internet nên nhiều nam, nữ thanh niên DTTS tiếp cận sớm với những thông tin lệch lạc nhưng không được giáo dục, uốn nắn kịp thời nên dẫn đến một số trường hợp tảo hôn ngoài ý muốn.

Từng bước xóa bỏ

Theo bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Trưởng khoa Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm, để giảm tình trạng tảo hôn, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn tới mọi tầng lớp nhân dân để thay đổi nhận thức, hành vi, tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của đồng bào. Đặc biệt, tập huấn thêm cho lực lượng cộng tác viên dân số cách nắm rõ những trường hợp có tư tưởng tảo hôn để có kế hoạch vận động người dân thực hiện đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, công tác tuyên truyền cần tập trung vào những đối tượng vị thành niên, học sinh trong các nhà trường... Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn để vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ hủ tục về hôn nhân gia đình…

Ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, thời gian tới, chi cục sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202104/no-luc-ngan-chan-nan-tao-hon-8212303/