Nỗ lực ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các ngành chức năng tỉnh Thái Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Lân, BĐBP Thái Bình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Lại Hợp Khánh

Một trong những việc làm cụ thể trong thời gian gần đây, đó là việc BĐBP Thái Bình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực V, Chi cục Thủy sản, Phòng Văn hóa và Thông tin hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy, tiến hành kiểm tra, rà soát và cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng cho gần 200 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên sử dụng thiết bị thông tin liên lạc tầm xa (HF).

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh chủ trì kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm và yêu cầu các tàu cá không có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (VTĐ) thực hiện các thủ tục cấp phép theo hướng dẫn; chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện nghề cá phải kiểm tra giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ (đối với các phương tiện nghề cá phải trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa HF theo quy định).

Trung tá Vương Văn Trọng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: Việc triển khai cung cấp tần số và thiết bị phát sóng cho ngư dân là việc làm cần thiết, qua đó để từng bước đưa việc khai thác thủy hải sản đi vào nền nếp, giúp các ngành chức năng quản lý dễ dàng việc đánh bắt của ngư dân cũng như sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Tuy nhiên, do bước đầu chưa quen với việc khai báo nhật trình khai thác, người dân còn bỡ ngỡ; nhưng sẽ dần thành nền nếp, tạo môi trường lành mạnh trong khai thác thủy hải sản.

Được biết, trong thời gian gần đây, BĐBP Thái Bình cùng các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân; tổ chức trên 20 lớp tập huấn, tuyên truyền những quy định của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; hướng dẫn ghi nhật ký khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác cho hơn 1.000 lượt chủ tàu và người dân các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương; cấp phát tờ rơi, 300 sổ nhật ký khai thác hải sản và tổ chức cho 519 chủ tàu khai thác hải sản ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép... Cùng với đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh và hệ thống đài truyền thanh cơ sở thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã thu hồi 20 bộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá (Movimar) bàn giao lại cho Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải để bảo dưỡng, sửa chữa. Lập danh sách 29 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, đề nghị Tổng cục Thủy sản phân bổ lắp đặt Movimar trong thời gian tới. Đặc biệt, chi cục đã xây dựng kế hoạch nâng cấp trạm bờ và máy thông tin liên lạc lắp trên tàu cá bảo đảm kết nối tự động giữa tàu và trạm bờ của tỉnh, để giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác và phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

Văn phòng đại diện Thanh tra, Kiểm soát nghề cá tỉnh thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến, kiểm tra sổ nhật ký với sản lượng khai thác được để làm cơ sở thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác hải sản theo quy định. Văn phòng tổ chức 6 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên truyền nhắc nhở 235 tàu cá, xử lý 5 tàu vi phạm với các lỗi: Không đăng kiểm tàu cá, không mua bảo hiểm thuyền viên, tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá.

BĐBP Thái Bình cũng đã cùng với các sở, ngành liên quan, các huyện ven biển, nhất là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường các biện pháp quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước trong khu vực, không để tàu cá nước ngoài xâm nhập khai thác trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình đã xây dựng, triển khai thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo hạn chế phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo; cấm phát triển đóng mới tàu cá khai thác ven bờ; triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý tàu cá từ đóng mới, cải hoán đến đăng ký, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đến nay nhận thức pháp luật của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh Thái Bình hiện có 262 tàu cá công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ, không có trường hợp nào khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.

Lại Hợp Khánh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/no-luc-ngan-chan-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap/