Nỗ lực nâng cao chất lượng công tác tư pháp ở cơ sở

Là những người trực tiếp đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Hiện nay, công chức Tư pháp cơ sở từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng; cơ cấu cán bộ cơ bản được bố trí hợp lý giữa các đơn vị, giữa các vùng, không có khoảng cách lớn về mặt bằng trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vượt lên trên những khó khăn về những điều kiện tự nhiên, xã hội và chế độ đãi ngộ chưa thật tương xứng; đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp cấp phường, xã đã nỗ lực phấn đấu, góp phần tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong công tác tư pháp ở cơ sở, nổi bật nhất là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác xây dựng, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; chứng thực; hộ tịch; hòa giải; giải quyết khiếu nại, tố cáo… Thông qua công tác chuyên môn, công chức Tư pháp -Hộ tịch đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Để nâng cao năng lực, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch cấp phường, xã luôn được quan tâm, chú trọng. Ảnh: Bản Sa

Để nâng cao năng lực, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch cấp phường, xã luôn được quan tâm, chú trọng. Ảnh: Bản Sa

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước yêu cầu ngày càng cao trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở một số địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cơ sở phần nào bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công chức Tư pháp - Hộ tịch cơ sở còn phải tham mưu Chủ tịch UBND phường, xã cùng cấp giải quyết các vụ việc về hòa giải, khiếu nại- tố cáo nên chiếm khá nhiều thời gian dẫn đến việc quá tải và làm ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết các đầu công việc chuyên môn. Mặt khác, một số công chức trình độ chuyên môn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm chưa cao, một số có trình độ chuyên môn không phù hợp. Do vậy, để hoàn thành tốt công việc của tư pháp hiện nay ở cơ sở là hết sức khó khăn, bất cập.

Công tác khai thác và sử dụng Tủ sách pháp luật ở cấp xã hiệu quả chưa cao, nhiều tài liệu pháp luật chưa được bổ sung kịp thời. Đối với các Tủ sách pháp luật cấp xã, chủ yếu là phục vụ cho cán bộ, chưa mở rộng phục vụ đối tượng là nhân dân bởi thời gian phục vụ nằm trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, nhiều Tủ sách pháp luật cấp xã chưa sắp xếp khoa học nên tốn quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm tài liệu, chưa kể những tài liệu đã hết hiệu lực vẫn chưa được phân loại rõ ràng. Nhiều xã, phường, thị trấn chỉ có một hoặc hai máy vi tính, có nơi chưa kết nối internet, do vậy không thể ứng dụng được công nghệ thông tin vào trong khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật.

Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và chứng thực, hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động này khá đầy đủ, rõ ràng từ Nghị định đến Thông tư. Tuy nhiên, còn có những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn quản lý ở cơ sở nên có khó khăn nhất định trong quá trính thực hiện như: Đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực, hộ tịch còn chưa ổn định (do thường xuyên luân chuyển công tác), trình độ, năng lực của đội ngũ này ở cơ sở có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu của công việc dẫn đến tình trạng cấp các giấy tờ hộ tịch không đúng quy định, vi phạm pháp luật trong khi thực hiện (do lỗi chủ quan hoặc khách quan như: đăng ký không đúng thẩm quyền còn xảy ra, hồ sơ thiếu chặt chẽ, lưu trữ không đầy đủ và thiếu khoa học.

Về công tác hòa giải, do trình độ, năng lực của đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều; phần lớn các hòa giải viên do kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để xác minh, tìm hiểu vụ việc cần hòa giải. Các hòa giải viên chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm sống và uy tín của bản thân; thành viên Tổ hòa giải ở cơ sở tham gia với tư cách tự nguyện nên có tâm lý ngại va chạm, thiếu kiên trì trong việc động viên, giáo dục, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận.

Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số địa phương chưa xác định văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật nên khó khăn cho việc thực thi pháp luật ở cơ sở. Bên cạnh đó, có một số quy định pháp luật trên lĩnh vực hộ tịch chưa hợp lý, cụ thể: việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, không đăng ký việc nuôi con nuôi… không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ dân trí nhiều địa phương hiện nay. Có thể nói, để công tác tư pháp cơ sở phát huy hiệu quả, ngành Tư pháp cần có biện pháp để rà soát đội ngũ, đề xuất thêm biên chế, tìm kiếm nguồn tuyển dụng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… với phương châm dù trong điều kiện nào thì hiệu quả công việc cũng phải được bảo đảm một cách tốt nhất, đặc biệt khi đó là những việc liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của nhân dân.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-cong-tac-tu-phap-o-co-so-216180.html