Nỗ lực mở rộng thị trường dịch vụ ra nước ngoài

6 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực tìm các giải pháp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững thị trường, cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm... Nhờ vậy, doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 129% kế hoạch 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 340 tỷ đồng.

Giữ vững thế mạnh

Thời gian qua, dù các nhu cầu và khối lượng dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng vẫn ở mức thấp nhưng PTSC đã tăng cường sử dụng nguồn lực hiện có, hạn chế tàu thuê ngoài nhằm giảm chi phí sản xuất, tổng số ngày hoạt động của đội tàu PTSC ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 vẫn đạt 1.429 ngày công. Trong đó, PTSC Quảng Ngãi-công ty con của PTSC đã thực hiện tốt công tác cung cấp tàu dịch vụ trực sự cố tràn dầu, an ninh, phòng cháy chữa cháy, an toàn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như lai dắt Tanker, tàu chở xăng dầu ra/vào phao rót dầu không bến (SPM), cảng xuất sản phẩm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện an toàn trực sẵn sàng hỗ trợ cho nhà máy đạt 20.664 giờ. Công ty con khác của PTSC là PTSC Thanh Hóa cũng bảo đảm các tàu dịch vụ phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn một cách hiệu quả, hỗ trợ đón 5 tàu có tải trọng lớn của nhà máy an toàn.

Giàn Daman 2 do PTSC thi công đã hoàn thành tốt, bàn giao cho chủ đầu tư.

Ở lĩnh vực dịch vụ kho nổ, xử lý dầu thô (FSO/FPSO), PTSC đã thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, vận hành các kho nổi FPSO Ruby II, FSO PTSC Biển Đông 1, FPSO Lam Sơn, hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, PTSC đang tích cực đàm phán chuẩn bị ký mới hợp đồng khai thác FPSO, phục vụ khai thác tại Lô 01/97&02/97; tiếp tục thực hiện tốt các hợp đồng cung cấp thuyền viên cho các đối tác Modec và MVOT đối với các FSO MV12 và FSO Orkid, cung cấp nhân sự làm việc trên kho nổi FPSO Thái Bình cho Cửu Long JOC. Các phần công việc của dự án Sao Vàng Đại Nguyệt cũng đang được PTSC chuẩn bị, đồng thời sẵn sàng nguồn lực để thực hiện các dự án tiềm năng khác.

Mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cho các dự án công trình công nghiệp trên bờ, PTSC đang khẳng định năng lực trong lĩnh vực này với nhiều dự án triển khai như Dự án NPK-NH3 Phú Mỹ, Dự án GPP Cà Mau, Dự án Kho cảng Hải Phòng, Dự án mở rộng Kho cảng Gò Dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài… bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của khách hàng. Một số dự án trên bờ tiềm năng, như: Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng, Tổ hợp Cá Voi Xanh, Nhà máy điện Đồng phát Hồ Tràm, Nhà máy xử lý khí Báo Vàng, Dinh Cố GPP2 cũng đang được PTSC tiếp cận, chuẩn bị.

Ở lĩnh vực thế mạnh truyền thống là dịch vụ cơ khí dầu khí, bên cạnh các dự án cơ khí dầu khí do PTSC M&C thực hiện vừa mới hoàn thành và đang triển khai, như: Dự án Giàn DK, Giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng Đại Nguyệt, Dự án 5 giàn khai thác xuất khẩu sang Ấn Độ cho ONGC…, PTSC cũng đang tiếp cận các dự án tiềm năng khác trong ngành, như: Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng FF-giai đoạn 2, Báo Vàng, Kình Ngư Trắng, Kình Ngư Vàng, Nam Du U Minh… sẵn sàng phục vụ các hoạt động thăm dò, khai thác và phát triển các mỏ này.

Tiếp tục "xuất khẩu dịch vụ", PTSC triển khai và thực hiện tốt các dự án cho các đối tác, khách hàng nước ngoài, như: Dự án Dự án Subsea Structure Fabrication &Topside Modification-PLD Project cho khách hàng Rosneft; Dự án Spools, Jumpers and Installation Aids Fabrication cho khách hàng Subsea7; đấu nối, cải hoán và chạy thử cho dự án NARS tại Abu Dhabi thuộc Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất cho khách hàng HHI/AMDA OPCO. Bên cạnh đó, các sà lan nhà ở PTSC Offshore 1, sà lan vận chuyển PTSC 01 của PTSC cũng được khai thác an toàn phục vụ Dự án Thay xích neo tàu MV17 của khách hàng Modec.

Dịch vụ cảng cho thấy nhiều tín hiệu tốt hơn khi tại Cảng Hạ lưu Vũng Tàu, số nhà thầu thực hiện kế hoạch khoan trung bình là 2,5 nhà thầu/tháng, tăng khoảng 25% so với 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời Cảng PTSC Vũng Tàu cũng thực hiện dịch vụ hạ thủy cho Dự án Daman (03 shipment). Nhu cầu về các dịch vụ căn cứ hậu cần và các dịch vụ phát sinh khác cũng có sự gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Các cảng khác, như: PTSC Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu); Bến số 1, Dung Quất; Hòn La (Quảng Bình); Đình Vũ (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa)... tiếp tục khai thác ổn định, an toàn. Đặc biệt, trong 6 tháng tháng đầu năm, Cảng PTSC Phú Mỹ đã đón 64 lượt tàu cập cảng làm hàng với khối lượng hàng hóa xuất-nhập cảng đạt 1.763.680 tấn, tăng 25,35% so với cùng kỳ năm trước.

Ở mảng cung ứng nhân lực, với đội ngũ nhân sự kỹ thuật ngày càng tinh nhuệ, PTSC đã giành được nhiều hợp đồng với khách hàng khi đã thực hiện tốt các hợp đồng cung cấp 145 nhân sự kỹ thuật dài hạn và 1.381 lượt nhân sự tham gia dịch vụ ngắn hạn cho nhiều khách hàng dầu khí.

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, PTSC cũng đã gặp không ít khó khăn trong một số lĩnh vực, nhất là các dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm bằng ROV.

Những cuộc chạy đua

6 tháng cuối năm, PTSC tiếp tục chạy đua để hoàn thành vượt mức tiến độ các dự án, kế hoạch, chạy đua với các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài cùng lĩnh vực trong việc tìm kiếm việc làm. Vì thế, PTSC xác định, tiếp tục quản lý và khai thác an toàn, hiệu quả đội tàu dịch vụ chuyên dụng của mình và đội tàu thuê ngoài, cung cấp đáp ứng tối đa nhu cầu tàu dịch vụ, tàu bảo vệ cho thị trường trong nước, triển khai hiệu quả, an toàn, chất lượng và đúng tiến độ các dự án Nhà máy Kho cảng Hải Phòng, Dự án mở rộng Kho cảng Gò Dầu NPK-NH3 Phú Mỹ đang bước vào giai đoạn “nước rút”.

PTSC cũng cho biết, sẽ tập trung khai thác an toàn, hiệu quả các căn cứ cảng dịch vụ tổng hợp, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác với các đối tác, nhà thầu trong và ngoài nước có năng lực phù hợp để cùng triển khai chế tạo sản xuất các sản phẩm mới, dịch vụ mới bền vững hơn với chi phí cạnh tranh ngay cả với thị trường trong nước, không phụ thuộc vào chính sách bảo hộ sản phẩm, dịch vụ. Các căn cứ cảng cũng phải được quản lý và tổ chức khai thác tốt hơn, phát huy tối đa nguồn lực, cơ sở hạ tầng và các phương tiện thiết bị hiện có, đồng thời đẩy mạnh công tác marketing, nỗ lực mở rộng thị trường dịch vụ giao nhận vận tải, thu xếp dịch vụ vận tải cho chủ hàng xuất, nhập khẩu..

Ngoài ra, PTSC cũng đang xem xét, đánh giá nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh doanh, mở rộng phát triển thị trường ra nước ngoài; tận dụng triệt để tất cả các cơ hội dù nhỏ để tăng cường chào thầu, đấu thầu các dự án tư nhân và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kể cả các lĩnh vực công nghiệp ngoài ngành dầu khí. Đồng thời tăng cường các giải pháp hợp tác, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho các nhà sản xuất lớn, hiện đại, có thương hiệu từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phát triển nguồn nhân lực, quản trị tốt doanh nghiệp

Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC, việc đẩy mạnh cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý theo hướng tinh gọn nhân sự, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm, kỷ luật nghiêm minh, tạo môi trường minh bạch, gắn kết trực tiếp đãi ngộ với đóng góp trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giúp PTSC bảo đảm doanh thu, việc làm cho người lao động, vượt qua thách thức để "đứng vững" trong giai đoạn đầy khó khăn này.

PTSC định hướng đội ngũ nhân lực có tính chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho từng cá nhân chủ động, sáng tạo trong công việc, trách nhiệm gắn liền với quyền lợi, làm việc trong môi trường tin cậy lẫn nhau. Gắn kết hài hòa giữa đội ngũ lãnh đạo giàu kiến thức, kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết, sáng tạo, mạnh dạn đột phá.

Cũng theo ông Lê Mạnh Cường, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, PTSC cũng cần phân tích, đánh giá các yếu tố đầu vào và đầu ra, những khác biệt về cơ chế, cách thức quản trị doanh nghiệp, để từ đó đề ra các giải pháp nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh của PTSC trong khu vực. Đây là vấn đề cấp thiết mà PTSC đang tích cực hoàn thiện để áp dụng triệt để trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRP), quản trị dây chuyền cung cấp (SCM), tiêu chuẩn hóa hoạt động quản lý và phát triển nguồn nhân lực theo hướng đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được các tiêu chuẩn khi làm việc với nhà thầu nước ngoài và có thể cạnh tranh với lao động khu vực... cũng là tiền đề để nâng cao hơn nữa năng suất lao động, tiếp tục xây dựng PTSC phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NAM THẮNG - ANH THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/no-luc-mo-rong-thi-truong-dich-vu-ra-nuoc-ngoai-543592