Nỗ lực lớn nhưng cần sự đồng bộ

Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ (KHCN), nhất là sự phát triển cao của công nghệ thông tin (CNTT), các bệnh viện quân y (BVQY) đã sáng tạo, quyết đoán trong đầu tư, xây dựng, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn 'bệnh viện thông minh', nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho bộ đội và nhân dân. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành.

Phát huy trách nhiệm của các bệnh viện quân y

Tham dự buổi giao ban tại BVQY 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3) chúng tôi thấy các số liệu, kết quả khám, điều trị bệnh nhân do các đơn vị trực thuộc báo cáo đều được hiển thị trên màn hình điện tử lớn và trên màn hình máy tính của người chủ trì giao ban. Đây là một trong các tiện ích của hệ thống CNTT, giúp lãnh đạo, chỉ huy BVQY 5 cũng như các thành viên tham dự hội nghị nắm được tổng thể tình hình hoạt động liên quan đến công tác quản lý để chỉ huy, điều hành. Đặc biệt, đối với các trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh lý phức tạp, cần hội chẩn thì hệ thống CNTT sẽ cung cấp đầy đủ kết quả xét nghiệm, dữ liệu hình ảnh để các thầy thuốc phân tích, đưa ra ý kiến chuyên môn một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác nhất. Theo Đại tá, Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), TS Nguyễn Vân Giang, Giám đốc BVQY 5, hệ thống CNTT này được bệnh viện đầu tư từ năm 2003 và được nâng cấp năm 2016, đã làm thay đổi căn bản hoạt động của bệnh viện, từ công tác quản lý, điều hành chung đến hoạt động chuyên môn của các thầy thuốc, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao độ tin cậy, chính xác trong thực hiện nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 5 thăm khám, động viên bệnh nhân.

Ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại tá, TS Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh, cho biết: "Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện ngày một tăng cao, trung bình từ 4.000 đến hơn 5.000 người/ngày, có ngày đạt hơn 6.000 người; thu dung điều trị nội trú trung bình mỗi ngày từ 2.000 đến 2.200 bệnh nhân. Do đó, nếu không ứng dụng CNTT trong đón tiếp, hướng dẫn, tổ chức khám, chữa bệnh và quản lý bệnh nhân, mặt bệnh thì không thể giải quyết được số lượng cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện như hiện nay".

Xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp

Tuy nhiên, khảo sát tại một số BVQY trong toàn quân cho thấy, hiện nay, cơ bản hệ thống mạng máy tính nội bộ (LAN) và phân hệ phần mềm quản lý cơ bản do các bệnh viện tự đầu tư thiết kế, lắp đặt và đưa vào hoạt động. Do không thuộc dự án đầu tư của trên nên hàng năm các bệnh viện phải tự cân đối kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp. Mặt khác, phân hệ phần mềm của các bệnh viện còn hạn chế về tính đồng bộ trong kết nối, tích hợp, chuẩn hóa với trang thiết bị y tế của các bệnh viện và chưa đồng bộ với các phần mềm quản lý khác, nhất là việc kết nối liên thông dữ liệu phần mềm với bảo hiểm y tế hay các cơ sở y tế tuyến trên, tuyến dưới.

Cùng với đó, nguồn nhân lực cao về CNTT còn thiếu và chưa đồng bộ cũng cản trở việc phát triển, khai thác, sử dụng CNTT trong cơ sở y tế nói chung, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng. Hệ thống mẫu biểu trong các phần mềm chưa thống nhất nên khi có thay đổi phải phụ thuộc vào nhà cung cấp phần mềm, dẫn đến bị động trong công tác và tăng chi phí của các sơ sở y tế. Ngoài ra, hiện nay, theo biên chế được phê duyệt, cơ bản các bệnh viện đều chưa có biên chế kỹ sư, nhân viên chuyên sâu về CNTT nên việc vận hành hệ thống, khắc phục sự cố còn nhiều hạn chế.

Theo Đại tá Lê Quốc Hùng, Trưởng phòng Điều trị, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Cục Quân y đã có công văn, mẫu biểu gửi các BVQY trong toàn quân để khảo sát, điều tra thực trạng nhằm xây dựng đề án bệnh viện thông minh. Đây là chủ trương đúng, kịp thời, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố cần đầu tư phát triển tốt phần cứng, như: Máy chủ, máy trạm, thiết bị đường truyền, giải pháp an toàn, an ninh hệ thống, thiết bị thông minh... Trong phân hệ phần mềm phải tích hợp, chuẩn hóa với các trang thiết bị y tế, bảo đảm dùng riêng cho từng bệnh viện và dùng chung trong hệ thống bệnh viện quân đội và trong ngành y tế; lực lượng chuyên sâu trong quản lý vận hành cũng như trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong khai thác, sử dụng CNTT cũng cần từng bước nâng cao...

Để đạt được tiêu chí bệnh viện thông minh, xây dựng được đề án và triển khai thực hiện đề án bệnh viện thông minh trong quân đội là công việc lớn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đồng thời phải có lộ trình, bước đi thích hợp; tránh việc dàn trải, gây lãng phí, tốn kém mà không phát huy được hiệu quả của CNTT hay việc ngại thay đổi, ngại tiếp thu cái mới dẫn đến sự trì trệ trước sự phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-lon-nhung-can-su-dong-bo-553266