Nỗ lực làm mới sân khấu truyền thống

Tìm hướng đi mới cho sân khấu truyền thống luôn là nỗi trăn trở của những người nghệ sĩ luôn đau đáu với nghệ thuật dân tộc. Để vực dậy sân khấu truyền thống, một số nhà hát, nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn chọn cho mình lối đi riêng, thổi những làn gió mới vào nghệ thuật truyền thống.

Ra mắt khán giả vào tháng 5 vừa qua, vở cải lương Nhật thực (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Nguyên Phương, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) đã tạo được nhiều rung động trong lòng khán giả. Chuyển thể từ kịch bản Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã mang lại một diện mạo mới cho nghệ thuật cải lương với nhiều tìm tòi, sáng tạo. Trên sân khấu có ba diễn viên nhưng thật ra chỉ có một nhân vật. Cả ba thể hiện ba tính cách khác nhau trong một con người. Mượn hình ảnh nhật thực, một hiện tượng của tự nhiên, vở diễn như muốn truyền tải nội dung những điều tốt đẹp đôi khi cũng bị bóng tối che mờ. Trong khoảnh khắc hư hư thực thực ấy, con người đã nhìn lại, tự soi mình. Cũng giống như người nghệ sĩ, trên con đường nghệ thuật gian nan, nhiều lúc phải chậm lại, tự vấn chính bản thân để tiếp tục tìm cho mình hướng đi mới và gắn bó sống chết với nghề.

Đảm nhận nhân vật duy nhất trong vở cải lương, NSƯT Lê Trung Thảo đã ca diễn một mình trong suốt 90 phút của vở diễn. Đó là sự nỗ lực rất lớn đối với một diễn viên trẻ như anh, đồng thời cho thấy sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của người nghệ sĩ nhiều đam mê. Cái mới trong vở diễn còn được thể hiện ở phần âm nhạc khi đạo diễn đã có sự kết hợp âm nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại. Phần đông khán giả cảm thấy chấp nhận sự hòa quyện giữa tiếng đàn kìm mộc mạc trên nền nhạc giao hưởng, khiến cho vở diễn thêm mới mẻ mà vẫn giàu cảm xúc. Dù có nhiều thể nghiệm, nhưng Nhật thực vẫn giữ được vẻ đẹp cốt lõi của nghệ thuật cải lương, giản dị, không rườm rà, tạo cảm giác dễ chịu cho người xem.

Vào đầu tháng 8 vừa qua, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh đã diễn phúc khảo vở Sanh vi tướng, tử vi thần của tác giả, NSƯT Hữu Danh - Anh Kiệt; đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu. Đây cũng là một vở thể nghiệm của nhà hát nhằm làm mới nghệ thuật hát bội, với hy vọng đưa hát bội tiếp cận với những lớp khán giả trẻ, nhất là khán giả nước ngoài. Vở diễn được dàn dựng không có lời thoại như những vở hát bội truyền thống khác. Khán giả thưởng thức vở diễn thông qua âm nhạc, sự biểu cảm, và hệ thống vũ đạo của các diễn viên. Vở Sanh vi tướng, tử vi thần kể về tinh thần yêu nước của người dân đất Việt. Khi quê nhà xuất hiện bóng giặc ngoại xâm, những người dân dù già hay trẻ, trai hay gái cũng sẵn sàng đứng lên đánh đuổi quân thù, không ngại hy sinh, mất mát. Không lời thoại, nhưng qua những màn vũ đạo nhuần nhuyễn đặc trưng của hát bội, sự biểu cảm trên gương mặt từng nhân vật, khán giả vẫn cảm nhận được tình yêu nước nồng nàn của những con người nhỏ bé, chất phác, cũng như ý chí, lòng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ gìn sự yên bình cho quê hương, đất nước. Những diễn viên trẻ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội thành phố đã nỗ lực hoàn thành tốt từng vai diễn của mình trong bối cảnh hoạt động của nhà hát còn nhiều khó khăn, khán giả không mấy mặn mà với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, để mang đến một vở diễn mang nhiều tính sáng tạo.

Vở diễn cũng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch văn hóa của thành phố. Vở Sanh vi tướng, tử vi thần cùng với một số vở diễn khác sẽ được trau chuốt lại để biểu diễn phục vụ du khách khi đến TP Hồ Chí Minh. Đây là việc làm hết sức cần thiết và đòi hỏi thành phố cần có chiến lược phát triển lâu dài để mang đến những sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu nhằm quảng bá văn hóa, phục vụ phát triển du lịch. Và để dự án này thành công, đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa những vở diễn truyền thống được làm mới như thế, mang hơi thở của thời đại mà vẫn giữ được giá trị của nghệ thuật dân tộc. Đó cũng là hướng đi mới để sân khấu truyền thống tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41347002-no-luc-lam-moi-san-khau-truyen-thong.html