Nỗ lực kiểm soát nợ công và bài toán bội chi...

Theo Kiểm toán Nhà nước, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm, ngân sách Trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ.

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017.

Theo tờ trình, bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, giảm cả số tương đối và tuyệt đối so với dự toán Quốc hội giao (giảm 41.337 tỷ đồng và 0,76% so với GDP).

"Việc kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN đã giúp giảm bội chi, nhất là đối với ngân sách Trung ương. Vốn ngoài nước giảm 20.195 tỷ đồng của các dự án đầu tư không triển khai kịp, không được chuyển nguồn theo quy định nên hủy dự toán.

Vốn trong nước giảm 15.142 tỷ đồng cho nhiệm vụ chi thường xuyên không triển khai kịp, không được chuyển nguồn nên hủy dự toán theo quy định.

Ngân sách địa phương giảm bội chi 6.000 tỷ đồng do khó khăn về trả nợ và lãi suất nên không phát hành theo dự kiến, được bù đắp từ tăng thu và sắp xếp từ nguồn dự phòng ngân sách", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng thông tin về nguồn bù đắp của ngân sách Trung ương. Theo đó, Việt Nam đã vay trong nước 70.125 tỷ đồng; vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

"Các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2017 đạt 12,74 năm, kỳ hạn còn lại của danh mục nợ đến cuối năm 2017 là 6,71 năm, lãi suất huy động bình quân năm 2017 là 5,98%/năm, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 51,67%, nợ công bằng 61,37%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội", Bộ trưởng Tài chính đánh giá.

Trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc bội chi NSNN giảm cả số tương đối và tuyệt đối so với dự toán Quốc hội giao thể hiện Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi.

Tuy nhiên, bội chi NSNN năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay (vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước15.142 tỷ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỷ đồng).

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát nợ công, dư nợ công năm 2017 bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép; các khoản vay đa dạng kỳ hạn nợ, kỳ hạn vay năm 2017 được nâng lên bình quân đạt 12,74 năm; lãi suất vay bình quân năm 2017 là 5,98%/năm.

"Tuy nhiên, tổng số nợ công tăng thêm so với 2016 là 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm; ngân sách Trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ.

Bên cạnh đó, ứng trước dự toán ngân sách Trung ương lớn (hết 2017 là 86.339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau,... Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách", báo cáo thẩm tra của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/no-luc-kiem-soat-no-cong-va-bai-toan-boi-chi-3380392/