Nỗ lực kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí

Sau 3 năm triển khai dự án 'Tăng cường kiến thức và hành động cải thiện chất lượng không khí (TA9608-REG)' tại TPHCM do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, dự án đã tổng quát được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (ÔNKK). Đồng thời, dự án cũng đề xuất những hoạt động ưu tiên để quản lý nguồn phát thải gây ÔNKK với TPHCM.

Báo động ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

Mỗi lần dừng đèn đỏ hay kẹt xe, người tham gia giao thông trên nhiều đường ở TPHCM lại ngao ngán, mệt mỏi bởi khói bụi phát ra từ các phương tiện xe cộ. Không những thế, khi lưu thông trên đường, nhiều người thường bắt gặp hình ảnh xe tải, xe buýt, xe gắn máy nhả khói đen, thậm chí có xe tải cũ kỹ khi di chuyển để lại những vệt khói làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Ngày nào cũng đi về qua đường Cộng Hòa từ TP Thủ Đức đến quận 12, chị Lan Anh ngán ngẩm: “Hôm trời nóng nực mà gặp cảnh kẹt xe ở cung đường này thì vô cùng mệt mỏi, khổ nhất là phải đứng sau đuôi xe buýt, xe máy, ô tô cũ kỹ xả khói đen kịt xộc thẳng vào mặt gây ngộp thở, người lúc nào cũng cảm thấy nôn nao”.

Các phương tiện giao thông đang là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở TPHCM

Các phương tiện giao thông đang là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở TPHCM

Ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng Khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, TPHCM đang phải đối mặt với nguy cơ ÔNKK từ các phương tiện cơ giới, hoạt động công nghiệp và xây dựng, đốt rác ngoài trời, nấu ăn hộ gia đình… ÔNKK đang gây ra nhiều tác động cho sức khỏe, hệ sinh thái và khí hậu. Để cải thiện tình trạng ÔNKK, TPHCM đã và đang lên nhiều kế hoạch triển khai. Cụ thể, từ tháng 8-2019, Sở TN-MT TPHCM nhận được đề nghị của ADB về việc thực hiện dự án TA9608-REG nhằm nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí.

Đối với hợp phần ở TPHCM, ngân sách cho dự án là 250.000 USD được viện trợ không hoàn lại. Các hoạt động chính của dự án bao gồm thực hiện nghiên cứu chất lượng không khí cấp thành phố tập trung vào chất lượng không khí hiện tại, tác động và quản lý; xác định các biện pháp để giải quyết ÔNKK, gồm lựa chọn công nghệ, khuyến khích chính sách và hỗ trợ năng lực; chuẩn bị kế hoạch hành động về không khí sạch cấp thành phố. Nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường và cải thiện tình trạng ÔNKK ở thành phố, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí, giao Sở TN-MT TPHCM phối hợp nhà tư vấn của dự án thực hiện.

Ông Tom Buckland, Phó Giám đốc dự án TA9608-REG, cho biết, TPHCM đối mặt với những khó khăn liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Các nguồn gây ÔNKK hiện nay ở TPHCM đến từ việc phát thải công nghiệp, giao thông đường bộ, phát thải từ khu dân cư. Trong đó, hoạt động giao thông vận tải là nguồn phát thải chủ yếu. Nghiên cứu của dự án TA9608-REG cho thấy, lượng phát thải khí NO2 trong giao thông chủ yếu đến từ xe tải (35%), xe hơi (32%) và xe máy là (20%); lượng khí thải SO2 chủ yếu đến từ xe hơi (57%), xe tải (24%), xe máy (11%); lượng phát thải bụi PM10 đến từ xe máy (35%), xe hơi (34%), xe tải (25%); lượng phát thải bụi PM2.5 chủ yếu đến từ xe tải (40%), xe máy (32 %), xe hơi (16 %). “Khu vực nào có mật độ giao thông cao, khu đó có lượng phát thải càng lớn. Các chất gây ô nhiễm như NO2 có thể ảnh hưởng tới chức năng của phổi và các triệu chứng liên quan đến hô hấp; PM10, PM2.5 gây bệnh về hô hấp, tim mạch và tử vong, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; SO2 gây co thắt đường thở, có khả năng ảnh hưởng đến người bị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính”, ông Tom Buckland cảnh báo.

Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch

Nhóm nghiên cứu dự án TA9608-REG cũng đưa ra các kịch bản, hoạt động... để hành động với mục đích quản lý nguồn thải gây ÔNKK hiệu quả hơn. Các hoạt động được đề xuất gồm, chuyển đổi xe máy sang xe điện; mở rộng khu vực hạn chế phương tiện, bao gồm xe hơi; chuyển đổi nhiên liệu cho xe tải. Theo kịch bản, nếu 50% xe máy được chuyển sang chạy bằng xe điện sẽ giúp cải thiện được từ 1%-6% nồng độ NO2, 1%-10% PM10, 6% PM2.5 thải ra môi trường. Trong khi đó, ở kịch bản mở rộng, khu vực hạn chế phương tiện nếu 50% xe hơi bị hạn chế sẽ giúp cải thiện được 5% nồng độ NO2, 3% SO2, 6% PM10, 2% PM2.5 ra môi trường. Kịch bản chuyển đổi nhiên liệu cho xe tải cũng góp phần đáng kể giảm khí thải ra môi trường. Theo đó, nếu 50% xe tải được chuyển đổi nhiên liệu, có 2%-6% nồng độ NO2, 1%-7% PM10, 0%-7% PM2.5 được cải thiện.

Bên cạnh các giải pháp về chuyển đổi phương tiện, nhiên liệu trong hoạt động giao thông, dự án TA9608-REG cũng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng với các mục tiêu như tăng cường hiểu biết về mức độ ảnh hưởng của ÔNKK đối với sức khỏe người dân, tăng số người nắm bắt thông tin về chất lượng không khí, nâng cao nhận thức về các nguồn gây ÔNKK; nâng cao nhận thức, hành động mà mỗi cá nhân có thể làm để giảm thiểu ÔNKK và giảm thiểu tiếp xúc với ÔNKK. Đồng thời, dự án mở rộng truyền thông trên trang web về không khí sạch tại TPHCM, Facebook, tờ rơi... Đặc biệt, dự án xây dựng một logo và tên gọi duy nhất cho hoạt động kêu gọi sự tham gia của người dân. Logo này tượng trưng cho cam kết của thành phố trong việc cải thiện chất lượng không khí.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//no-luc-kiem-soat-nguon-thai-gay-o-nhiem-khong-khi-830334.html