Nỗ lực không ngừng nghỉ

Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới được hiện thực hóa với sự cố gắng bền bỉ của tất cả các cấp, các ngành.

Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ngày càng tăng; tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ thuộc nhóm cao trong khu vực (đạt gần 30%). Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái được nâng lên, trong đó tỷ lệ phụ nữ biết chữ đạt gần 95%... Cùng với đó, nhiều mô hình tạo lập môi trường an toàn, trợ giúp phụ nữ và trẻ em gái cũng được các địa phương chú trọng. Như tại Hà Nội, toàn thành phố đã xây dựng gần 2.000 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hay việc triển khai các mô hình thí điểm “Nhà trọ an toàn”, “Làng quê an toàn”... dành cho phụ nữ và trẻ em gái. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế bởi một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng đúng mức đến công tác bình đẳng giới; kinh phí dành cho công tác này còn thấp... Thực trạng này khiến tình trạng phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình, xâm hại, quấy rối tình dục vẫn xảy ra.

Thực tế cho thấy, công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Do đó, để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển công bằng so với nam giới, trước hết cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025...

Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác này; ưu tiên nguồn lực cho những vùng, khu vực hay xảy ra hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới.

Đặc biệt, nhằm hạn chế sự tái diễn tình trạng bất bình đẳng giới từ thế hệ này sang thế hệ khác, các cấp, ngành, địa phương cần đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng đến nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai. Các nhà trường cũng cần chú trọng đưa chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới vào giảng dạy, hoạt động ngoại khóa ở các cấp học nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng, kiến thức về bình đẳng giới. Từ đó dần xóa bỏ tình trạng "trọng nam, khinh nữ" tồn tại ở một bộ phận người dân, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới mà còn hạn chế sự phát triển của xã hội, lạc hậu so với nhận thức và hành động chung toàn cầu.

Về phía chính quyền địa phương, cần tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình điểm về bình đẳng giới; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực.

Với ý nghĩa sâu xa, bình đẳng giới phải là mục tiêu không có điểm dừng, đòi hỏi nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ của cả cộng đồng, hướng đến văn minh, tiến bộ.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/992361/no-luc-khong-ngung-nghi