Nỗ lực kết nối nhà cung cấp Việt vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn AEON

Trong khuôn khổ hợp tác đã được ký kết tại Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản, ngày 13/12/2018, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Tập đoàn AEON tổ chức Hội thảo - Tập huấn - Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của AEON Nhật Bản.

Nỗ lực kết nối doanh nghiệp với nhà phân phối

Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ - cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Mục tiêu của đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các hãng phân phối lớn trên thế giới để từ đó hàng của Việt Nam tiếp cận được với người tiêu dùng.

Hàng Việt xuất khẩu vào hệ thống siêu thị nước ngoài. Ảnh minh họa

Sau hai năm triển khai đề án, Bộ Công Thương đã kết nối được nhiều hệ thống phân phối lớn như Big C, Lotte Mart, AEON… qua đó đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống phân phối này, đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ của các đơn vị trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hằng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào nhóm nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng.

Riêng với Tập đoàn AEON, Bộ Công Thương đã ký kết một Biên bản Ghi nhớ (MOU) về việc tăng tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống của tập đoàn này tại Việt Nam. Đồng thời, phía AEON cam kết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống của mình đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.

AEON đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Nhật Bản

Liên quan đến tình hình thực hiện các cam kết theo MOU, ông Shiotani Yuichiro - Tổng Giám đốc Công ty AEON TopValu Việt Nam - cho biết, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD hàng Việt qua hệ thống AEON vào năm 2025 nên rất muốn hợp tác, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể đạt được con số như đã ký kết với Bộ Công Thương.

Theo đó, tập đoàn AEON đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết đã ký trong thời gian tới bao gồm: Mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống; Từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất của nhà cung ứng Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của AEON; Với thị trường Nhật Bản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản cũng như các nước.

“Thị trường Nhật Bản rất khắt khe. Đòi hỏi các nhà cung cấp phải tạo sản phẩm tốt, rẻ hơn so với nhà cung cấp khác. Vì vậy chúng tôi muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường và xem hàng hóa của mình có những ưu điểm gì, từ đó lên kế hoạch đưa ra sản phẩm như thế nào để có tính cạnh tranh nhất. Về phía chúng tôi, bằng năng lực, kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đạt được các yêu cầu mà thị trường Nhật Bản đưa ra” - ông Shiotani Yuichiro chia sẻ.

Tại hội thảo, hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc trở thành nhà cung cấp hàng hóa cho AEON đã được các chuyên gia AEON dành nhiều thời gian giới thiệu chuyên sâu về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với 4 nhóm mặt hàng mà AEON đặt trọng tâm thu mua từ Việt Nam gồm: dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe.

Đông đảo doanh nghiệp quan tâm tham dự hội thảo

Theo đại diện AEON, thị trường Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về 4 nhóm mặt hàng trên nên phía AEON đã đẩy mạnh sản xuất ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… sau đó nhập khẩu về Nhật Bản. Tuy nhiên hiện các thị trường này chi phí cao nên gần đây AEON đã chuyển qua sản xuất tại Việt Nam. Trong quá trình sản xuất tại Việt Nam phát sinh vấn đề về nguồn cung nguyên phụ liệu, trong đó nổi cộm là ngành dệt may. Hiện ngành này vẫn đang phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu về sản xuất. Nếu Việt Nam chủ động được nguyên phụ liệu sẽ giúp giảm chi phí rất nhiều, đồng thời tăng giá trị cho sản phẩm bởi chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn ở Việt Nam.

Trao đổi với Báo Công Thương, đại diện Công ty TNHH Taiyo Plus Việt Nam - cho biết, đơn vị này đang cung cấp các sản phầm may mặc, khăn bông cho thị trường Nhật Bản, riêng với hệ thống của AEON cũng đang tìm hiểu. Tuy nhiên cái khó hiện nay là giá thành sản phẩm ở Nhật Bản đưa ra rất cạnh tranh vì thế công ty đang tìm hướng giải quyết bài toán chi phí đầu vào, giá nhân công cũng như các chi phí khác để có thể đưa ra mức giá tốt nhất cho khách hàng đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. “Nhu cầu của thị trường Nhật Bản rất ổn định, thêm vào đó thị trường này lại đang có lợi thế về thuế quan bởi hiệp định VJFTA đã có hiệu lực nên chúng tôi đang nỗ lực làm việc với AEON để tăng lượng hàng qua Nhật trong thời gian tới”, đại diện của Taiyo Plus Việt Nam chia sẻ.

Minh Long - Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/no-luc-ket-noi-nha-cung-cap-viet-vao-he-thong-sieu-thi-cua-tap-doan-aeon-113349.html