Nỗ lực hướng tới nền hành chính hiện đại

Với quyết tâm hiện đại hóa nền hành chính, trong năm 2017, TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ thành phố xuống cơ sở. Đến nay, công tác này đã đạt nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Nhiều tháng qua, người dân Thủ đô đã không còn xa lạ với mô hình khu dân cư, cụm dân cư điện tử tại các phường, xã. Từ thành công ban đầu, mô hình "Khu dân cư điện tử" tại phường Hạ Ðình (quận Thanh Xuân) đã được nhân rộng tại nhiều quận, huyện như: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Hà Ðông, Gia Lâm... Ở phường Vạn Phúc, một điểm sáng của quận Hà Ðông trong triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), người dân có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến ngay tại phòng đọc sách báo đặt tại Miếu Vạn Phúc và Nhà Văn hóa tổ dân phố 8. Với kinh phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/điểm từ nguồn vốn xã hội hóa, tại các điểm, phường đã bố trí máy tính, máy in, máy scan, bảng danh mục các thủ tục hành chính cấp phường, quận; cử một đoàn viên, thanh niên thường xuyên có mặt hướng dẫn người dân nhập hồ sơ trực tuyến, để sau khi làm quen công dân có thể tự truy cập tại nhà. Bà Trần Thị Huệ ở tổ dân phố 8, phường Vạn Phúc nhận xét, việc bố trí các điểm hỗ trợ DVCTT ngay tại khu dân cư rất tiện lợi. Người dân được các đoàn viên thanh niên hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng, cho nên việc thực hiện nhanh gọn, không phải đến phường chờ đợi, xếp hàng như trước đây.

Ðể việc triển khai DVCTT được lan tỏa tới cơ sở, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã phổ biến, phát tờ gấp tuyên truyền và thực hành việc sử dụng các DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cho 275.982 học sinh tại các trường học. Nhiều quận, huyện như: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Ðình, Chương Mỹ... đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, với những hình thức mới, sáng tạo như: Phổ biến thông qua các cuộc họp, các hoạt động của tổ dân phố, khu dân cư; thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh và người cao tuổi; tuyên truyền thông qua bảng quảng cáo lắp đặt trong thang máy tại các tòa nhà chung cư; cử cán bộ, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ trực tiếp cho người dân sử dụng DVCTT. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, tích cực, đã góp phần quảng bá, hỗ trợ người dân trong thực hiện các DVCTT do thành phố triển khai, là cầu nối để tạo nên những công dân điện tử, thiết lập việc giao tiếp giữa công dân với chính quyền điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng, tránh lãng phí xã hội, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và từng bước hiện đại hóa nền hành chính ngay từ cơ sở.

Song song việc đẩy mạnh DVCTT ngay từ cơ sở, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ 81 DVCTT tới 168 phường, 12 quận và 10 sở, nâng tổng số DVCTT của thành phố lên 391 DVCTT, mức độ 3, mức độ 4, đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước. Theo số liệu thống kê, hiện nay hệ thống DVCTT của Hà Nội đã có hơn 5,2 triệu lượt người truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt hơn 94% (225.173 hồ sơ trực tuyến trong tổng số 239.480 hồ sơ). Một số lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt kết quả cao như: Ðăng ký kinh doanh đạt hơn 75%, thuế đạt hơn 97%, hải quan đạt 100%, hộ chiếu phổ thông đạt hơn 80%. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2017, ít nhất 55% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú, để đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, Hà Nội đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước. Việc triển khai được thực hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, để năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT. Thí dụ như để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử. Sở cũng thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn. Ðến hết tháng 8-2017, 90% dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư được số hóa và tiếp tục thực hiện hoàn thiện phần còn lại trong thời gian tới. Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội thực hiện ứng dụng CNTT, đề xuất triển khai
công-tơ điện thông minh trong đo đếm điện năng từ xa. Sở Y tế thí điểm việc triển khai ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại 20 xã, phường của các quận, huyện: Long Biên, Ba Ðình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn để sớm nhân rộng trong thời gian sớm nhất; tổ chức khảo sát để triển khai mở rộng hệ thống quản lý khám, chữa bệnh toàn thành phố. Ðối với cơ sở dữ liệu về đất đai, thành phố hiện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc đo vẽ và chỉnh lý bản đồ, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm dùng chung.

Hà Nội hiện đang xếp thứ ba trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Ðồng thời, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và sáu tháng đầu năm 2017. Ðiều này cho thấy, những nỗ lực cải cách hành chính, trong đó có hiện đại hóa nền hành chính của Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng mừng. Mô hình chính quyền điện tử của thành phố đang dần rõ nét với những bước đi đồng bộ, chắc chắn, thông qua việc xây dựng cơ quan điện tử, công chức điện tử và công dân điện tử, hướng tới một nền hành chính hiện đại, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34347702-no-luc-huong-toi-nen-hanh-chinh-hien-dai.html