Nỗ lực hơn trong bảo vệ quyền lợi của người lao động

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm nghìn công nhân làm việc ở các nhà máy, công xưởng tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn. Lực lượng lao động này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố. Thế nhưng, chung quanh mối quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN) thời gian qua đã phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, lẫn tinh thần cho NLĐ.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm nghìn công nhân làm việc ở các nhà máy, công xưởng tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn. Lực lượng lao động này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố. Thế nhưng, chung quanh mối quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN) thời gian qua đã phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, lẫn tinh thần cho NLĐ.

Đơn cử, trong tháng 8 vừa qua, Giám đốc Công ty TNHH Tasko Vina (100% vốn Hàn Quốc) đã bỏ trốn, để lại khoản nợ lương 1,7 tỷ đồng và nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn hai tỷ đồng. Trước đó, NLĐ biết rõ thực trạng đó khi họ không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám bệnh, hưởng chế độ thai sản nhưng qua nhiều lần phản ánh lại không có tín hiệu phản hồi. Tương tự, việc gần 600 công nhân Công ty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) rơi vào cảnh khốn đốn vì chủ DN bất ngờ “biến mất”, để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 26,8 tỷ đồng. Trước sự việc này, công đoàn (CĐ) công ty cũng hết sức lúng túng, không biết giải quyết thế nào vì chủ DN đã bỏ trốn. Tình trạng chủ DN bỏ trốn, thậm chí, có chủ DN còn kịp tẩu tán, thanh lý tài sản đã để lại hậu quả buộc NLĐ gánh chịu.

Thực tế cho thấy, mấu chốt của vấn đề có thể giải quyết được nếu như có sự quyết liệt hơn nữa của tổ chức, CĐ cơ sở, vốn được xem là “điểm tựa” của NLĐ. Nhưng trước hết, cần thay đổi ý thức của chính NLĐ. Như một mặc định, NLĐ luôn nghĩ mình là người cần có việc làm cho nên thấy những bất cập trong quyền lợi của mình cũng không mạnh dạn lên tiếng vì sợ bị đuổi việc. NLĐ có quyền được công khai khoản đóng BHXH, BHYT, có quyền tự tra cứu thông tin tại trang web của cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố, khiếu nại đến các cơ quan chức năng việc DN đang xâm phạm quyền lợi của mình. Nói cách khác, NLĐ cần chủ động trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân trước khi tìm đến các địa chỉ khác.

Trong khi đó, theo luật định, CĐ có quyền khởi kiện DN khi quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Thế nhưng điểm tựa này cũng đang tồn tại một thực tế là lương của cán bộ CĐ cơ sở là do DN chi trả và chính sự phụ thuộc này khiến họ e ngại khi viết đơn khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ. Đó là chưa kể đến sự rườm rà, phức tạp về các loại giấy tờ, quy định để hoàn tất thủ tục khởi kiện lên tòa án. Vướng mắc này, có thể giải quyết được khi pháp luật cần trao thêm quyền khởi kiện cho tổ chức CĐ cơ sở, nhất là CĐ cấp trên; thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn.

Đã đến lúc phải làm rõ khái niệm “chủ DN bỏ trốn”. Đây chính là "điểm thắt", khiến hàng nghìn NLĐ thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi, đòi hỏi pháp luật phải có sự điều chỉnh, nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể về hành vi, thời gian, động cơ của việc bỏ trốn của chủ DN để từ đó quy định các chế tài xử lý vụ việc một cách dứt điểm. Trên thực tế, về quản lý lao động, ngoài tổ chức CĐ còn có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương,…

Đại hội Công đoàn Việt Nam khóa XII đã khẳng định, trong nhiệm kỳ tới, tổ chức CĐ sẽ đổi mới theo hướng lấy đoàn viên, NLĐ làm trung tâm, hoạt động chủ yếu ở cơ sở. Nếu các tổ chức, đơn vị này đều đồng hành, sâu sát với NLĐ, chắc chắn tình trạng “bỏ trốn”, “chây ỳ” các quyền lợi với NLĐ sẽ ngày càng giảm bớt.

NAM HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37930702-no-luc-hon-trong-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong.html