Nỗ lực hơn để đạt mục tiêu 90 - 90 - 90

Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2018 (từ ngày 10-11 đến 10-12) có chủ đề: 'Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020'. Theo đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho người dân xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho người dân xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2018 (từ ngày 10-11 đến 10-12) có chủ đề: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020”. Theo đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc (LHQ). Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Mục tiêu 90 - 90 - 90 được LHQ đưa ra nhằm đến năm 2020 sẽ có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. Mặc dù trong 10 năm liền dịch HIV/AIDS được kiểm soát ở cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV hằng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết do HIV/AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà LHQ đề ra.

Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh…; sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay đã được triển khai rộng rãi với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc ở tất cả các huyện; cả nước có 138 phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhưng nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng bệnh của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV còn sống, nhưng chỉ có khoảng gần 200 nghìn người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Như vậy vẫn còn hơn 50 nghìn người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm bệnh. Họ có thể sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, dịch vụ điều trị ARV sớm.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có gần 80% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, trong khi chỉ còn hai năm để đạt tới mục tiêu thứ nhất, đó là khoảng cách lớn cần sự nỗ lực của cả cộng đồng. Nhiều người được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng vẫn chưa tham gia điều trị ARV.

Việc điều trị ARV hiện nay đã được mở rộng trong toàn quốc với 470 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được cơ quan chuyên môn mở rộng cho tất cả những người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có khoảng gần 130 nghìn người nhiễm HIV (chiếm khoảng 65% số người được chẩn đoán nhiễm HIV) được điều trị bằng thuốc ARV.

Mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Thông qua tháng hành động, ngành Y tế kêu gọi mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Trong Tháng hành động, nhiều hoạt động được tăng cường triển khai, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo về xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc đại dịch AIDS; tổ chức gặp mặt những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV... Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, chú trọng vào lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của việc tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương; sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS...

Để đạt được mục tiêu 90-90-90, nếu chỉ cam kết là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân. Bên cạnh đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì điều này không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế. Đó là tiền đề để Việt Nam tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thanh Mai

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/38278402-no-luc-hon-de-dat-muc-tieu-90-90-90.html