Nỗ lực hội nhập kinh tế ở khu vực Mỹ Latinh

Mỹ la-tinh là một khu vực hội nhập đầy sôi động với sự đan xen của các thiết chế kinh tế khu vực, trong đó Liên minh Thái Bình Dương (PA) đang nổi lên như một khối thương mại đầy hứa hẹn ở Nam Mỹ.

Đại diện PA và ASEAN trong một cuộc gặp tại Thái-lan. Ảnh ASEAN.ORG

Đại diện PA và ASEAN trong một cuộc gặp tại Thái-lan. Ảnh ASEAN.ORG

Tại Hội nghị cấp cao PA lần thứ 14 mới đây tại Lima (Peru), các bên khẳng định tăng cường hội nhập và ủng hộ thương mại tự do.

Ý tưởng thành lập Liên minh Thái Bình Dương được đưa ra tại một cuộc họp ở thủ đô Lima của Peru ngày 28-4-2011, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa bốn thành viên, gồm Mexico, Chile, Colombia và Peru, là những quốc gia ven bờ Thái Bình Dương ở Mỹ latinh và hướng tới hội nhập với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn.

Ngay sau khi được thành lập, PA nhanh chóng có những bước phát triển quan trọng và ấn tượng trong tiến trình liên kết trong nhiều lĩnh vực. Các nước thành viên PA nhất trí đưa ra Tầm nhìn chiến lược năm 2030, trong đó tiến tới miễn thuế đối với tất cả mặt hàng lưu thông trong khối. Liên minh còn đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên về những vấn đề quan tâm chung và ưu tiên, như môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học kỹ thuật và phát triển xã hội...

Là một khu vực kinh tế lớn ở Mỹ latinh và vùng Caribe, PA có thị trường với 230 triệu người tiêu dùng, chiếm 50% kim ngạch thương mại, 38% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực Mỹ latinh. Dân số của PA chủ yếu là lực lượng trẻ, lao động có trình độ cao và cũng là nhóm khách hàng có sức mua tăng trưởng liên tục. Không chỉ hợp tác tốt đẹp trên bình diện nội khối, các thành viên PA còn cùng nhau tham gia nhiều cơ chế liên khu vực, như Diễn đàn hợp tác Ðông Á - Mỹ latinh (FEALAC), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa có xu hướng suy yếu do sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ, PA tiếp tục thúc đẩy hội nhập và hợp tác khu vực, thông qua việc mở rộng thành viên của Liên minh. Trong đó, PA đẩy nhanh đàm phán, chuyển sang quy chế đối tác của khối cho các nước quan sát viên là Australia, Canada, New Zealand và Singapore, đồng thời kết nạp thêm các quan sát viên mới. Nhận được sự quan tâm của nhiều nước, hiện Liên minh Thái Bình Dương có 55 nước quan sát viên trên toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo PA hoan nghênh những bước đi cụ thể trong lộ trình hội nhập với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), một thiết chế thương mại lớn khác tại Mỹ latinh, gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Sự liên kết chặt chẽ giữa PA và Mercosur có thể tạo nên một khối kinh tế - thương mại mạnh, chiếm 81% số dân và 86% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ latinh.

Ðóng góp không nhỏ vào sự phát triển nhanh, mạnh và vượt trội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian gần đây chính là sự liên kết và hợp tác sâu rộng giữa các nền kinh tế trong khu vực, trong đó hợp tác giữa PA và Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo chiếm tới 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.

Quan hệ hợp tác PA - ASEAN có tiềm năng phát triển lớn, trong dài hạn có thể đóng vai trò "cầu nối" hai bờ Thái Bình Dương. Văn kiện khung về hợp tác PA - ASEAN là cơ sở vững chắc đưa quan hệ giữa hai khối phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới, nhất là trong bốn lĩnh vực ưu tiên, gồm hợp tác kinh tế; giáo dục và giao lưu nhân dân; khoa học công nghệ và sáng tạo; phát triển bền vững.

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại trên thế giới diễn biến phức tạp, cam kết ủng hộ tự do thương mại của Liên minh Thái Bình Dương được xem là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy giao dịch nội khối, mở rộng thị trường và tăng chuỗi giá trị tại khu vực Mỹ latinh. Với tầm nhìn và nỗ lực mở rộng liên kết với các nền kinh tế trong và ngoài khu vực, PA ngày càng khẳng định vị trí không chỉ ở khu vực Mỹ latinh, mà còn ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

TRUNG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40881602-no-luc-hoi-nhap-kinh-te-o-khu-vuc-my-la-tinh.html