Nỗ lực hòa nhập của những em nhỏ thiệt thòi

Số phận không may mắn khi sinh ra với cơ thể khiếm khuyết, nhưng điều đó không ngăn cản các em nỗ lực hòa nhập với cuộc sống, với mọi người xung quanh bằng nhận thức, ngôn ngữ và niềm vui của riêng mình.

Các em nhỏ tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An

Các em nhỏ tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An

Trung tâm Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An hiện đang nuôi dạy hơn 300 em đủ lứa tuổi. Chỉ khoảng 1/3 học sinh ở ngoại trú, còn lại các em ở nội trú trong trường, vừa học văn hóa vừa học kỹ năng để có thể giao tiếp, hòa nhập với mọi người.

Niềm vui đến lớp cùng các bạn của các em nhỏ tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An

Lớp văn hóa của cô Phan Thị Hương gồm khoảng 20 cháu từ 9 đến 15 tuổi, chủ yếu bị khiếm thính. Dù nỗ lực chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa, nhưng mỗi giờ học đối với các em vẫn đầy niềm vui, tranh nhau được trả lời câu hỏi của cô giáo về chữ cái, sắp xếp thứ tự các con số. Các em trò chuyện với nhau bằng âm thanh, ký hiệu của riêng mình và không ngại chia sẻ, thể hiện cảm xúc với mọi người xung quanh.

Tại đây, cô trò nói chuyện với nhau bằng nhiều ngôn ngữ âm thanh, chữ viết, cử chỉ ...

Với nhiều trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, càng lớn tuổi, nhận biết, sức khỏe các em lại càng chậm và khó khăn hơn, khiến việc học tập không đạt hiệu quả như mong đợi. Dù khó khăn diễn đạt để người khác hiểu, các em vẫn nhớ bạn bè và cô giáo và đến lớp như một thói quen và niềm hạnh phúc mỗi ngày.

Trương Hoàng Tống Giang năm nay 9 tuổi, vừa mới nhập học năm học này. So với các bạn trong lớp, em nhỏ tuổi nhất nên được cô giáo cho ngồi phía trên, cùng bàn giáo viên để tiện kèm cặp, dạy học riêng.

Học sinh ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật, nếu đủ sức khỏe và tiến bộ, các em có thể tiếp tục học nghề, sau này tự nuôi sống bản thân. Các nghề được đào tạo tại trung tâm chủ yếu là mang tính chất thủ công, nhẹ nhàng để phù hợp với sức khỏe và khả năng của học sinh. Trong đó, có 5 lớp may mặc, 2 lớp vi tính, 2 lớp mộc, 1 lớp điện, thêu tay… với gần 240 học viên.

Cô giáo hướng dẫn các bạn học nghề may. Đây là nghề có số lượng học viên theo học nhiều nhất tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề khuyết tật Nghệ An.

Em Đỗ Thị Trang năm nay 14 tuổi, buổi sáng em học văn hóa, còn buổi chiều em học nghề may. Cô bé "khoe" bây giờ đã có thể may được khẩu trang đẹp.

Nghề thêu chủ yếu được các bạn nữ chọn học, vì đòi hỏi tay nghề khéo léo, kiên trì.

Một bức tranh trọn vẹn cần nhiều thời gian, công sức. Nhiều tranh thêu của học viên tại Trung tâm đã được gửi đi tham gia các triển lãm để giới thiệu, tìm đầu ra tiêu thụ.

Nghề mộc cũng là nghề thu hút nhiều học viên tham gia, chủ yếu là các bạn nam. Giáo viên ở đây vừa lành nghề, vừa biết ngôn ngữ ký hiệu để hướng dẫn cụ thể cho các em khiếm khuyết.

Không may mắn như các bạn bình thường, nhưng các em học sinh khuyết tật đều cố gắng nỗ lực để hòa nhập, học một công việc sau này có thể tự nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình.

Nhiều em nhỏ khiếm thính hoặc bị tật ở chân tay nhưng rất thông minh và tiếp thu nhanh công nghệ thông tin.

Ngoài học tập, em nhỏ Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An còn được dạy các kỹ năng cơ bản khác trong cuộc sống để tự tin giao tiếp với mọi người.

Không được như những đứa trẻ bình thường khác, dù ở lớp văn hóa hay học nghề, sự tiến bộ của các em ở trường khuyết tật không tính theo ngày tháng mà hàng năm trời bền bỉ. Ở đó các thầy cô giáo như trở thành người thân, biết rõ hoàn cảnh mỗi em và nhẫn nại chăm sóc, chỉ bảo từng chút. Và mỗi một sự tiến bộ nhỏ của các em là thành công và niềm vui lớn không gì đong đếm được.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/no-luc-hoa-nhap-cua-nhung-em-nho-thiet-thoi-20200601192949278.html