Nỗ lực hòa bình cho Afghanistan

Một tuần sau khi Hòa đàm Afghanistan-Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm bị đổ vỡ, cuộc họp 3 bên lần thứ 2 giữa Nga với Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị diễn ra tại Nga để thảo luận về tiến trình hòa bình ở Afghanistan.

Đại diện 3 nước Nga, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy phiến quân Taliban hòa đàm với giới chức Afghanistan. Cần chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Nam Á này, trước khi IS hồi phục giống như chúng từng hoành hành ở Trung Đông.

Hòa đàm đổ vỡ

Thông báo của Đại sứ quán Nga ở Kabul cho biết hội đàm giữa các đại diện đặc biệt của Nga, Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra ở thủ đô Moscow và đặc phái viên của Afghanistan Zamir Kabulov cũng có thể tham dự hội nghị. Thông báo còn cho biết cuộc họp lần này không phải là định dạng mới về quá trình hòa giải Afghanistan mà là một phần của những nỗ lực vì hòa bình tại đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 17 năm qua.

Về nguyên nhân đổ vỡ hòa đàm, phía Taliban đã đổ lỗi cho Chính phủ Afghanistan. Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho rằng chính quyền Kabul đã cản trở bất kỳ tiến trình hòa bình nào. Theo người phát ngôn Mujahid, cả Taliban, Chính phủ Afghanistan và Qatar đều khẳng định rõ ràng, thậm chí quy định rõ trong thư mời rằng tất cả những người tham gia đàm phán sẽ tham dự với tư cách cá nhân nhưng người đứng đầu chính quyền Kabul, bao gồm Tổng thống Ashraf Ghani và Bộ trưởng Nội vụ Umar liên tục tổ chức họp báo và tuyên bố các thành viên được lựa chọn sẽ tham gia với tư cách là đại diện của chính quyền Kabul. Theo quan điểm của Taliban đây là nỗ lực rõ ràng phá hoại hội nghị này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước một cuộc hội đàm với đại diện chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước một cuộc hội đàm với đại diện chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

Nói về nguyên nhân đổ vỡ, ở phía bên kia, Phủ Tổng thống Afghanistan tuyên bố quyết định của Chính phủ Qatar hủy cuộc họp là theo yêu cầu của Taliban. Văn phòng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng đổ lỗi cho chính quyền Qatar về sự đổ vỡ này, cho rằng họ đã chấp nhận một danh sách thành viên phái đoàn khác với đề xuất của Kabul, "đồng nghĩa với việc không tôn trọng nguyện vọng dân tộc của người Afghanistan".

Một nhà phân tích đã miêu tả đây là một "thất bại", cho thấy sự chia rẽ sâu sắc cản trở những nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh. Theo nhà phân tích này, những khác biệt về cách quản lý đất nước cũng như cách hợp tác với các quốc gia bên ngoài trong tiến trình giải quyết những mâu thuẫn nhằm thiết lập nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Nam Á này.

Trong bối cảnh chưa tìm ra bước tiến mới nào, lực lượng phiến quân Taliban vẫn tổ chức các chiến dịch tấn công, đồng thời kêu gọi các binh sĩ và cảnh sát Afghanistan từ bỏ chính phủ để gia nhập Taliban. Đây là động thái cho thấy tình trạng bạo lực sẽ còn tiếp tục kéo dài ở quốc gia châu Á này.

Taliban tuyên bố rõ mục tiêu của các chiến dịch tấn công sẽ còn tiếp nối và cũng ám chỉ tới Mỹ khi nói rằng: "Phần lớn quê hương của chúng ta đã được giải phóng khỏi kẻ thù nhưng lực lượng chiếm đóng nước ngoài tiếp tục tập trận, gây ảnh hưởng cả về mặt quân sự và chính trị".

Bất ổn từ sau vụ 11-9

Và trên thực tế, tình hình không chỉ căng thẳng trên bàn hội nghị mà hai bên vẫn tiếp tục mở các đợt tấn công nhằm vào nhau. Trong khi Taliban đã mở một số chiến dịch tấn công ở thủ đô Kabul cũng như các tỉnh thành khác trên khắp Afghanistan trong những tuần gần đây, khiến hàng trăm binh sĩ và dân thường thương vong. Đáp lại, Chính phủ Afghanistan phát động chiến dịch truy quét mang tên "Khalid".

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã lên án các cuộc tấn công dã man của Taliban. Thông báo của HĐBA LHQ nhấn mạnh tuyên bố của Taliban sẽ "chỉ gây ra thêm sự đau khổ và hủy hoại không cần thiết cho người dân Afghanistan", đồng thời kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Afghanistan nắm bắt cơ hội để bắt đầu cuộc đối thoại cũng như các cuộc đàm phán có thể dẫn tới một thỏa thuận chính trị.

Theo thống kê của LHQ, kể từ tháng 1-2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. Hậu quả của các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và phiến quân Taliban là tình trạng bất ổn. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này.

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Taliban - thế lực thống trị ở Afghanistan từ năm 1996, đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ khi công khai chứa chấp trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tháng 10-2001, chỉ vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 do Bin Laden chủ mưu, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.

2 tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ. Sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban tìm được nơi trú ẩn an toàn là Waziristan thuộc Pakistan, giáp với biên giới Afghanistan. Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch “Taliban hóa”, nhằm chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, dựng lên các trại huấn luyện quân sự... và phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan.

Nỗi đau dai dẳng

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Taliban đã trở thành vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ và nhiều quốc gia khác. Sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết quân chiến đấu về nước, Afghanistan lại rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân Taliban.

Để đối phó với tình hình bất ổn, các lực lượng an ninh của Afghanistan và liên quân do Mỹ, NATO đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào các tay súng Taliban, đồng thời giới chức Kabul liên tục đề nghị hòa đàm với Taliban, tuy nhiên lực lượng này từ chối và tuyên bố điều kiện tiên quyết cho hòa đàm là các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan.

Về phía Afghanistan, trong một nỗ lực nhằm khởi động tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng, tháng 2-2018, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến 17 năm qua ở Afghanistan đã gặp trở ngại vì những bất đồng liên quan đến việc Taliban kiên quyết từ chối đàm phán trực tiếp với chính quyền Kabul, trong khi Mỹ và các nước lớn trong khu vực cho rằng tiến trình hòa bình phải do người dân Afghanistan dẫn dắt và làm chủ. Mặc dù vậy, cơ hội chấm dứt xung đột tại Afghanistan lại mở ra khi Taliban khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ.

Trên thực tế, từ lâu Taliban đã nhấn mạnh muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, song Washington liên tiếp bác bỏ, cho rằng để có thể đi tới con đường hòa bình tại Afghanistan đòi hỏi Taliban phải tham gia hòa đàm trực tiếp với Chính phủ Afghanistan.

Tuy nhiên, vào tháng 6-2018, Mỹ đã thể hiện sự thay đổi trong chính sách tại Afghanistan, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng "hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia" các cuộc đàm phán. Ông thậm chí còn để ngỏ khả năng thảo luận về vai trò của các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan, vấn đề mà Taliban quan tâm nhất.

Từ 21 đến 26-1-2019, Mỹ và lực lượng Taliban ở Afghanistan đã tiến hành đàm phán tại thủ đô Doha của Qatar. Tại cuộc đàm phán này, thủ lĩnh sáng lập lực lượng Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad đã thảo luận về lộ trình rút các lực lượng nước ngoài cũng như việc đảm bảo Taliban sẽ không tiến hành các hành động chống lại Mỹ và các đồng minh tại Afghanistan.

Hai bên cũng đề cập đến cơ chế ngừng bắn và cách thức tổ chức đối thoại liên Afghanistan. Cho dù đã phải kéo dài hơn 4 ngày so với dự kiến nhưng cuộc đàm phán đã kết thúc với những tiến triển tích cực, khi hai bên đã hoàn tất các điều khoản đặc biệt là về khung thời gian và cơ chế rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan, trong dự thảo thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt 17 năm xung đột tại Afghanistan. Đây được cho là giải pháp chính trị quan trọng để giải quyết bất ổn tại quốc gia Nam Á này.

Theo các nhà phân tích, cho dù “chưa có gì được đảm bảo” nhưng những đột phá đạt được trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ với các thủ lĩnh Taliban ở Qatar, đã mở ra cơ hội mới đối với tiến trình hòa bình tại Afghanistan, nhất là trong bối cảnh Afghanistan đối mặt với thách thức kép từ IS và Taliban.

Thách thức kép

Thực tế những gì đang diễn ra cho thấy Afghanistan đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa lực lượng Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Việc các tay súng Taliban, IS tăng cường mở rộng các vụ tấn công thời gian gần đây đã đẩy tình trạng bạo lực tại quốc gia Nam Á này leo thang nghiêm trọng hơn khi các cuộc giao tranh giữa hai nhóm Taliban và IS đã nổ ra liên tiếp.

Nhiều vụ đánh bom của IS xảy ra vào thời điểm Taliban và quân đội Chính phủ Afghanistan tuyên bố ngừng bắn cho thấy IS quyết tâm giành "địa bàn" với Taliban khi nhóm này đã bị mất nhiều vùng đất quan trọng ở Trung Đông.

IS đã nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ đánh bom xe và tiêu diệt nhiều chiến binh Taliban. Nhiều cuộc giao tranh bằng vũ khí hạng nặng giữa hai nhóm cũng nổ ra ở hai huyện Chapa Dara và Watapur thuộc tỉnh miền núi Kunar, khiến hàng trăm dân thường phải bỏ nhà cửa chạy trốn đạn pháo. Tổ chức khủng bố IS cũng tổ chức các cuộc tiến công nhằm vào Taliban tại nhiều địa phương khác ở miền Bắc Afghanistan.

Lực lượng an ninh Afghanistan trong một cuộc giao tranh với Taliban. Ảnh: Council on Foreign Relations.

Đáp lại, Taliban tuyên bố đã cho nổ tung căn cứ của các phần tử thánh chiến trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi tại một số khu vực của tỉnh Kunar và Laghman; đồng thời cho biết đã tiêu diệt và bắt giữ hàng chục phần tử IS trong các vụ đụng độ tại đây.

IS đã mở rộng sự hiện diện tại Afghanistan từ đầu năm 2015 khi mất đi các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria. Từ một thành trì nhỏ ở tỉnh Nangarhar, IS đã thâm nhập và tiến hành những vụ tiến công cư dân ở nhiều địa phương của Afghanistan. Hiện nay, IS cùng với Taliban và Al Qaeda... đang kiểm soát thực tế tới 3/4 lãnh thổ Afghanistan, đe dọa nghiêm trọng an ninh của đất nước và an toàn cuộc sống của người dân Afghanistan.

Dù cùng phất ngọn cờ “thánh chiến”, song Taliban lại cho rằng những hành động tấn công trên của phiến quân IS đã phỉ báng đạo Hồi. Lực lượng này khẳng định bên cạnh mục đích chống trả lại lực lượng nước ngoài hiện diện ở Afghanistan thì cũng sẽ chiến đấu đến cùng để triệt hạ IS. Vốn theo đuổi những dòng tư tưởng Hồi giáo khác nhau nên giữa Taliban và IS thường xuyên xảy ra những cuộc trạm chán. Tuy nhiên, sự bành trướng và các phương thức chiêu binh mới của IS tại Afghanistan đang đặt ra những thách thức với lực lượng Taliban.

Thời gian qua, IS đã phát động các đợt tuyển dụng sâu vào vùng lãnh thổ do Taliban kiểm soát. Hiện các chiến binh IS đã gia tăng hoạt động tại 9 trong số 34 tỉnh thành của Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng, những vụ tấn công của IS nhằm vào Taliban thời gian gần đây như một thông điệp mà IS gửi đến Taliban rằng IS đã thay thế Taliban kiểm soát một số vùng đất ở Afghanistan.

Bối cảnh trên cho thấy chính quyền Afghanistan đang đứng trước “thách thức kép”, vừa phải đối phó với Taliban, vừa lo ngăn cản sự thâm nhập và bành trướng của các phần tử khủng bố IS trong khu vực. Để đối phó với tình hình bất ổn, thời gian gần đây, các lực lượng an ninh Afghanistan cùng liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào Taliban cũng như các lực lượng khủng bố và cực đoan trên khắp nước này.

Tuy nhiên, sự đối phó kém hiệu quả của chính quyền Kabul đang khiến Afghanistan trở thành nơi tranh giành lãnh thổ của các nhóm vũ trang cực đoan. Trong nỗ lực nhằm khuyến khích phiến quân Taliban ủng hộ tiến trình hòa giải dân tộc, từ tháng 6-2018 Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã tuyên bố ngừng bắn 7 ngày với Taliban, còn Taliban tuyên bố ngừng bắn trong 3 ngày với Afghanistan. Sau đó, Tổng thống Ghani còn tiếp tục gia hạn lệnh ngừng bắn của chính phủ thêm 10 ngày và đề nghị Taliban hợp tác.

Tuy nhiên, Taliban đã từ chối và mở lại các cuộc tấn công lực lượng an ninh ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này khiến Tổng thống Ghani ngày 30-6 đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn của chính phủ với Taliban và yêu cầu các lực lượng an ninh tiếp tục những chiến dịch chống phiến quân tại nước này.

Những động thái này đã khiến tiến trình hòa bình ở Afghanistan càng xa vời. Các vụ tấn công vào dân thường và lực lượng an ninh Afghanistan do Taliban và IS thực hiện cứ thế tiếp diễn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người dân Afghanistan khi cuộc chiến ở Afghanistan mang "bộ mặt mới".

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/no-luc-hoa-binh-cho-afghanistan-543153/